📞

Lehman Brothers: Ngày thứ Hai đen tối

14:34 | 18/09/2008
Thứ Hai, ngày 15/9/2008, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư nước Mỹ Lehman Brothers chính thức đệ đơn phá sản lên Tòa án Phá sản New York. Sự sụp đổ của ngân hàng đã tồn tại gần 160 năm này không chỉ khiến 26.000 nhân viên của tập đoàn thất nghiệp, các cổ đông điêu đứng, mà còn làm cho nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Các nhân viên tất bật rời khỏi trụ sở của Lehman Brothers

Hình ảnh những nhân viên của Lehman tại New York (Mỹ) và London (Anh) gói ghém đồ đạc rời khỏi các tòa nhà làm việc có thể đã trở thành hình ảnh tiêu biểu về khủng hoảng tín dụng và nhà đất. Lehman có 4.500 nhân viên ở Anh và hơn 20.000 nhân viên khác trên khắp thế giới. Và nhiều người, mà phần lớn tài sản là những cổ phiếu của Lehman, giờ đây trở thành vô sản.

 

Chờ đợi phép màu

 

Cho tới giờ phút cuối cùng trước khi nộp đơn phá sản, ông Dick Fuld, Tổng Giám đốc của Lehman Brothers, vẫn như đang chờ đợi một phép màu. Nửa đêm ngày 14/9, sau khi không đạt được thỏa thuận mua bán với Ngân hàng America (Mỹ) và Barclays (Anh), ông chủ lớn của Lehman vẫn tiếp tục làm việc qua điện thoại, tuyệt vọng tìm người mua ngân hàng. Ông Fuld đã gọi bất kỳ ai mà ông có thể nghĩ tới, trong đó có Morgan Stanley, với hy vọng ngân hàng này có thể đồng ý mua Lehman vào phút cuối.

 

Trước đó, các nhân viên kiêu hùng của Lehman từng nín thở theo dõi Tổng giám đốc D. Fuld làm cuộc đàm thoại với các nhà tư vấn và đầu tư, thông báo một quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử 158 năm của tập đoàn (lỗ 3,9 tỷ USD quý III/2008), cũng như kế hoạch cứu tập đoàn khỏi bờ vực. Tâm điểm của kế hoạch là tách Lehman làm hai phần “tốt” và “xấu” để loại bỏ phần rắc rối của tín dụng địa ốc. Lehman cũng sẵn sàng bán đi gần hết bộ phận quản lý đầu tư và cắt cổ tức cho cổ đông.

 

Tuy nhiên, liên lạc mãi mà không một vị cứu tinh nào xuất hiện. Khoảng 12h30 ngày 15/9, Lehman đã phát đi thông cáo báo chí thông báo hướng tìm kiếm sự bảo hộ phá sản. 25.000 nhân viên của Lehman chỉ biết việc động trời này thông qua báo chí mà không nhận được thông tin trực tiếp nào đến từ ông chủ Fuld hay các giám đốc khác của Lehman  Brothers.

 

Bàng hoàng và giận dữ

 

Choáng váng và tức giận, các nhân viên của Lehman Brothers thu xếp hành lý của họ ở các trụ sở ngân hàng tại New York trong cay đắng về sự thất bại của Tổng Giám đốc D. Fuld cũng như của ngân hàng đã tồn tại 158 năm qua.

 

Mới sáng sớm, hàng trăm nhân viên của Lehman đã vội vã lao đến ngân hàng. Nhiều người mang theo thùng các-tông, ba lô và cả vali đến dọn đồ trong khi cảnh sát đang cho giăng hàng rào bảo vệ.

 

Nhân viên của Lehman, mỗi người một tâm trạng, họ chia sẻ cảm xúc với nhau, từ tiếc nuối, giận dữ cho đến mất tinh thần. Bà Gelber, nhân viên của Lehman ở New York, đứng bên ngoài lối ra vào ngân hàng, tần ngần: “Tôi đã ở đây 14 năm. Tôi không biết phải làm gì nữa”. Còn Edouard d’Archinbaud, 24 tuổi, từ Paris, có ngày đầu tiên đi làm ở Lehman, nhưng chưa kịp ngồi vào ghế của mình thì ngân hàng đã phá sản.

 

Trong ngân hàng, đây đó có người nhỏ nước mắt hay nở nụ cười chua xót. Nhiều nhân viên nuối tiếc chụp ảnh kỷ niệm với các đồng nghiệp, trong khi số khác lướt web tìm việc làm. Ngay đến cả các nhân viên vốn nhất mực tin tưởng Lehman không bao giờ sụp đổ, lúc đó cũng bắt đầu mở lý lịch ra tô điểm, gọi đến các công ty săn đầu người. Ở châu Á, Lehman có khoảng 3.000 nhân viên và họ cũng chung tâm trạng như các đồng nghiệp Mỹ và Anh. Tuy nhiên, khi ngân hàng Barclays mua lại một phần ngân hàng Lehman với giá 1,75 tỷ USD, theo đó họ sẽ cứu từ 8.000-10.000 nhân viên của Lehman khỏi thất nghiệp.

 

Ngày đen tối

 

Thực tế, cơn “địa chấn” tài chính” Lehman Brothers không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của 26.000 nhân viên, mà nó còn đang gây sốc cho các nhà đầu tư toàn cầu, tác động mạnh đến nền kinh tế Mỹ và thế giới. Trước khi xin phá sản, Lehman Brothers từng có số vốn lên tới 700 tỷ USD. Ngân hàng này đã mất 3,9 tỷ USD trong quý III sau khi bị đánh mất một số lượng lớn tài sản vào vụ mua bán bất động sản. Trong một năm, giá trị cổ phiếu của ngân hàng bị giảm tới 16 lần và kết thúc ở mức 3,65 USD một cổ phiếu hôm 12/9, khiến nguồn vốn tụt xuống còn 2,49 tỷ USD.

 

Việc Lehman nộp đơn xin phá sản đã làm thị trường chứng khoán (TTCK) châu Âu và châu Á tụt dốc thê thảm, trở thành “ngày thứ Hai đen tối” đối với TTCK thế giới. TTCK châu Âu liên tiếp mất điểm, ở mức tồi tệ nhất kể từ cuộc tấn công 11/9 vào nước Mỹ. Còn TTCK châu Á cũng chịu chung tình trạng ảm đạm này ngay cả khi 4 trung tâm tài chính lớn ở Tokyo, Hong Kong, Thượng Hải và Seoul đóng cửa nghỉ lễ từ cuối tuần trước. Ngay khi mở cửa sáng 16/9, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 4,7%, trong khi giá cổ phiếu của Hong Kong lao xuống 6,1%...

 

Sau “Ngày thứ Hai đen tối” vừa qua, Ngân hàng trung ương các nước đang gồng mình “bơm tiền” cố gắng ổn định thị trường, đề phòng khả năng xuất hiện một sự đổ vỡ mang tính toàn cầu sau khi Lehman Brothers đệ đơn xin phá sản, tạo ra cú sốc mới trên thị trường tài chính thế giới.

  

Hoàng Minh (Theo F.T, Times)