Tổng thống Syria Assad hài lòng với thỏa thuận ngừng bắn. (Nguồn: AFP) |
Cũng theo nguồn tin ngoại giao trên, Mỹ cho rằng, tuyên bố chung do Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đề nghị 14 thành viên HĐBA thông qua là “thiếu chín chắn”.
Hôm 5/3, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib nhằm ngăn chặn cuộc xung đột đã khiến gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong vòng 3 tháng.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Bashar al-Assad, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với người đồng cấp Syria rằng, các thỏa thuận mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được trong những cuộc đàm phán mới đây sẽ góp phần làm ổn định tình hình tỉnh Idlib của Syria.
Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ: "Tổng thống al-Assad đánh giá cao kết quả đàm phán giữa lãnh đạo hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng thống Nga vì đã hỗ trợ cho cuộc chiến chống các nhóm khủng bố".
Trong khi đó, Phủ Tổng thống Syria cho hay, ông Assad hài lòng với thỏa thuận ngừng bắn và những gì mà lãnh đạo Nga đạt được trong cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong diễn biến liên quan, ngày 6/3, trước thềm cuộc họp giữa các nước phương Tây và Nga về vấn đề chuyển phát hàng cứu trợ qua biên giới cho Syria, Anh yêu cầu LHQ cung cấp thêm thông tin cụ thể cho HĐBA về những địa phương ở Syria mà hiện LHQ không tới cứu trợ được.
Đại sứ của Anh tại LHQ, bà Karen Pierce đã gửi thư tới người đứng đầu cơ quan LHQ về cứu trợ nhân đạo, ông Mark Lowcock để yêu cầu được biết những chủng loại hàng viện trợ nào LHQ cần phải có giấy phép của chính quyền Damascus.
Bà cho rằng, HĐBA, các nước viện trợ và cộng đồng quốc tế cần biết ai được nhận viện trợ và hàng viện trợ có được chuyển tới những người dân cần nhất một cách an toàn và không bị cản trở hay không.
Phía Anh đưa ra yêu cầu trên bởi hồi tháng 1, các nước thành viên HĐBA LHQ đã gia hạn nghị quyết cho phép tiếp tục chuyển hàng cứu trợ cho Syria qua 2 điểm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ngừng việc chuyển hàng qua biên giới Iraq và Jordan do vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc.
Các nước phương Tây cho rằng, việc ngừng chuyển hàng cứu trợ qua biên giới Iraq đã khiến đồ cứu trợ y tế cho vùng Đông Bắc Syria bị cắt giảm tới 40%.
Trong khi đó, Đại sứ Nebenzia đã bác bỏ những quan ngại xung quanh vấn đề hàng cứu trợ cho Syria bị giảm bởi cho rằng, tình hình trên thực địa đã khác nhiều và hàng cứu trợ hiện được chuyển tới những nơi cần thiết từ chính các địa phương khác ở Syria.