Trung Quốc và Nga đã tăng giao dịch bằng nội tệ để thúc đẩy thương mại và xứ Bạch dương ngày càng dựa vào CIPS (Hệ thống liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc) sau khi bị loại khỏi Hệ thống tin nhắn thanh toán toàn cầu (SWIFT) do phương Tây điều hành. (Nguồn: Xinhua) |
Trong những năm gần đây, địa chính trị toàn cầu đã có những thay đổi đáng kể. Đại dịch Covid-19, cùng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đã làm gia tăng sự phân cực của các quốc gia trên toàn cầu. Từng được các nước phương Tây coi là đối tác “khó khăn nhưng khả thi”, vị thế của Moscow đã thay đổi mạnh mẽ sau khi sáp nhập Crimea (năm 2014) và phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine (2022). Những nỗ lực của Nga đã củng cố vị thế của nước này, cùng với Trung Quốc, trở thành đối thủ địa chính trị chính và trực tiếp của phương Tây.
Sự phân cực ngày càng gia tăng này lại càng trở nên tồi tệ hơn do các lệnh trừng phạt kém hiệu quả của phương Tây. Trong khi đó, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và các thành viên tiềm năng, đã củng cố liên minh với nhau.
Trong khi Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là đồng minh của Mỹ, thì hầu hết các thành viên BRICS khác coi các quốc gia phương Tây là đối thủ.
Diễn biến thị trường toàn cầu
Hiện tại, đồng USD chiếm 58% dự trữ tiền tệ toàn cầu và 54% hóa đơn xuất khẩu. Cùng nhau, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thống trị hơn 80% dự trữ USD toàn cầu.
Tuy nhiên, kể từ khu xung đột nổ ra ở Ukraine, đồng NDT của Trung Quốc đã vượt qua đồng bạc xanh để trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất của Nga. Hiện Moscow nắm giữ NDT và vàng là tài sản dự trữ chính của mình.
Trong 2 năm qua, Trung Quốc và Nga đã tăng giao dịch bằng nội tệ để thúc đẩy thương mại và xứ bạch dương ngày càng dựa vào CIPS (Hệ thống liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc) sau khi bị loại khỏi Hệ thống tin nhắn thanh toán toàn cầu (SWIFT) do phương Tây điều hành.
Kể từ những năm 1990, nói về sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc, có thể dùng một từ “phi thường”. Đến năm 2001, nước này đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai.
Sự tăng trưởng của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Vào năm 2017, nước này đã vượt qua Mỹ khi đo bằng sức mua tương đương (PPP), một cột mốc quan trọng nhấn mạnh sự trỗi dậy nhanh chóng của quốc gia Đông Bắc Á trên trường quốc tế.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn lớn hơn 54% khi đo lường theo GDP danh nghĩa, việc đánh giá các nền kinh tế thông qua lăng kính của PPP cũng mang đến một sự so sánh tốt về quy mô và mức sống của người dân. Phương pháp này điều chỉnh theo sự khác biệt về mức giá giữa các quốc gia, cung cấp một góc nhìn thực tế hơn về những gì hai nền kinh tế có thể sản xuất và chi trả.
Do đó, trong khi Mỹ vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trên danh nghĩa của mình, vị thế của Trung Quốc theo PPP làm nổi bật ảnh hưởng toàn cầu đáng kể của Bắc Kinh và sự thay đổi cán cân quyền lực kinh tế.
Trung Quốc - cường quốc mới?
Đúng là GDP danh nghĩa phản ánh khả năng mua hàng hóa quốc tế của một quốc gia và chúng ta cũng nên xem xét các số liệu thống kê này. Nhưng nó cũng cho thấy rằng, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, Mỹ sẽ mất vị trí đầu bảng vào tay Trung Quốc trong tương lai gần.
Các lệnh trừng phạt gần đây từ Washington và các đồng minh phương Tây đã làm nổi bật vai trò quan trọng của vàng như là tài sản an toàn và ổn định nhất mà một quốc gia có thể tích lũy.
Khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, đóng băng các tài sản như dự trữ ngoại tệ và hạn chế quyền tiếp cận các hệ thống tài chính toàn cầu, vàng nổi lên như một nguồn tài nguyên mà họ không thể tịch thu hoặc ngăn cản Moscow sử dụng. Điều này nhấn mạnh vị thế độc nhất của vàng như một biện pháp chống lại các lệnh trừng phạt và bất ổn địa chính trị, mang lại sự bảo vệ trong thời điểm căng thẳng toàn cầu gia tăng.
Do đó, một số thành viên BRICS đã tăng dự trữ vàng như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài. Xu hướng này phản ánh sự hiểu biết ngày càng tăng rằng, trong thời đại mà các lệnh trừng phạt kinh tế thường được sử dụng làm đòn bẩy địa chính trị, việc nắm giữ dự trữ vàng lớn đảm bảo một mức độ độc lập kinh tế nhất định.
Do đó, các quốc gia này đang tập trung vào vàng như một cách để giảm sự phụ thuộc của họ vào hệ thống tài chính dựa trên đồng USD Mỹ và đảm bảo khả năng phục hồi tài chính của họ trước các lệnh trừng phạt trong tương lai hoặc các biến động của thị trường toàn cầu.
Nhóm BRICS mở rộng sẽ chiếm hơn 50% GDP toàn cầu dựa trên sức mua tương đương và đại diện cho khoảng 71% dân số thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Đặt niềm tin ở vàng?
Sự dịch chuyển sang vàng và phi USD hóa có vẻ hợp lý hơn nếu chúng ta loại trừ các quốc gia không có chính sách tiền tệ độc lập và quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Hiện tại, chỉ có 35% các quốc gia có chính sách tiền tệ tự chủ.
Hầu hết các nước khác đều có tiền tệ được neo hoàn toàn hoặc được quản lý theo các loại tiền tệ toàn cầu chính như USD, Euro hoặc Franc Thụy Sỹ. Điều này cho thấy nhiều quốc gia có thể có xu hướng “neo tiền tệ” của họ vào NDT, vàng hoặc thậm chí áp dụng một loại tiền tệ chung BRICS mới nếu họ muốn gia nhập khối và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào các quốc gia phương Tây.
“Neo tiền tệ” có một số lợi thế. Thứ nhất, nó mang lại cho một quốc gia sự ổn định tỷ giá hối đoái, giúp giảm biến động tiền tệ và tốt cho thương mại cũng như đầu tư quốc tế.
Thứ hai, lạm phát thấp hơn nhiều, vì các quốc gia phát triển và đồng tiền mạnh nói chung có lạm phát thấp hơn nhiều so với các quốc gia đang phát triển có chính sách tiền tệ độc lập.
Lợi ích thứ ba là mang lại sự tự tin cho nhà đầu tư, vì nó loại trừ các yếu tố không chắc chắn trong nền kinh tế và kinh doanh.
Tới nay, có 43 quốc gia từ Trung Đông, châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm hoặc chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS.
Nếu tất cả các quốc gia trên tham gia BRICS, thì khối này sẽ trở thành khối chính trị và kinh tế lớn nhất toàn cầu. Nhóm BRICS mở rộng sẽ chiếm hơn 50% GDP toàn cầu dựa trên sức mua tương đương và đại diện cho khoảng 71% dân số thế giới.
Tương lai của thế giới sẽ như thế nào?
Các quốc gia phát triển có đang mất đi ảnh hưởng toàn cầu của mình không? Phúc lợi trong nước và các chính sách tiền tệ có kìm hãm việc tạo ra của cải không? Những thách thức về nhân khẩu học, chẳng hạn như tỷ lệ sinh giảm, dân số già hóa và các vấn đề di cư ngày càng gia tăng, có làm trầm trọng thêm sự thay đổi này không? Và do đó, thế giới có đang tiến tới một động lực lưỡng cực mới không?
Mọi câu trả lời còn đang ở phía trước, tuy nhiên, có một điều mà chúng ta biết chắc chắn là đồng USD đang mất đi ảnh hưởng của mình và điều này cũng phù hợp với sức mạnh chính trị toàn cầu của Mỹ.
Dữ liệu cho thấy, trong khi đồng bạc xanh phải đối mặt với những thách thức, các quốc gia thường không liên kết với các đồng minh phương Tây đang tích cực đóng góp không chỉ vào quá trình phi USD hóa mà còn mở rộng ảnh hưởng của họ trên trường kinh tế và chính trị toàn cầu. Liệu một tương lai đa cực có sớm xuất hiện không?