Không còn "nhắm mắt làm ngơ"
Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào mạng lưới phát triển vũ khí của Iran, khiến Tehran vô cùng tức giận và khiến căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, mục tiêu của các đòn trừng phạt mới này không hẳn chỉ là nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Iran đúng như tuyên bố khi tranh cử. (Nguồn: AFP) |
Giới chức Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt là nhằm phản ứng trước vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Iran và việc nước này hậu thuẫn phiến quân Houthi ở Yemen, lực lượng vừa tấn công một tàu chiến của Saudi Arabia. Các quan chức Mỹ khẳng định những biện pháp trừng phạt mới không đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ các cam kết mà họ từng đưa ra theo thỏa thuận ký ngày 14/7/2015, trong đó từng bước dỡ bỏ lệnh cấm vận nhằm vào chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, tân Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần công khai chỉ trích hiệp định nói trên, và giới chức cho rằng các biện pháp được ông công bố hôm 3/2 chưa phải là cuối cùng.
Khi đang ở thăm Tokyo, ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã gọi Iran là “quốc gia tài trợ lớn nhất cho chủ nghĩa khủng bố trên thế giới”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không thể phớt lờ hay xem nhẹ thực tế này”, song khẳng định Mỹ chưa có kế hoạch tăng quân tại Trung Đông. Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn khi nói: “Những ngày chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi hung hăng và thù địch nhằm vào nước Mỹ cũng như cộng đồng thế giới của Iran đã chấm dứt. Họ vẫn tiếp tục các hành vi này dù Chính quyền Obama đã đưa ra một thỏa thuận hết sức bao dung. Các biện pháp trừng phạt mới là để đáp trả những hành vi này”.
Trong ngày 4/2, Iran đã thể hiện sự cứng rắn của mình bằng cách triển khai hệ thống tên lửa trong một cuộc diễn tập của Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRG). Trang mạng Sepahnews của IRG cho biết việc triển khai này là để thể hiện rằng họ “hoàn toàn sẵn sàng đương đầu với mọi mối đe dọa” và “các biện pháp trừng phạt nhằm sỉ nhục” Iran từ phía Washington. Sepahnews đã đăng tải danh sách các tên lửa được triển khai, đa số là các tên lửa tầm ngắn, với tầm bắn dưới 75km. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt lên các thực thể và cá nhân có liên quan đến chương trình tên lửa của Iran cũng là một lời cảnh báo ngầm nhằm vào một cường quốc khác, đó là Trung Quốc.
Khi đang ở thăm Tokyo, ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã gọi Iran là “quốc gia tài trợ lớn nhất cho chủ nghĩa khủng bố trên thế giới”. (Nguồn: AP) |
Mở rộng đối tượng bị trừng phạt
Lệnh cấm vận mà Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 3/2, ngay sau khi chính quyền Donald Trump liệt Iran vào “diện cần chú ý”, gồm 13 cá nhân, 12 thực thể là các công ty thương mại, dược phẩm, chế tạo, trong số này có ít nhất một công dân Trung Quốc và hai tổ chức có trụ sở ở nước này là Công ty kinh doanh thương mại Cosailing và Công ty Xuất nhập khẩu Thế kỷ mới Ninh Ba.
Bộ Tài chính Mỹ xác định đây là những mắt xích nằm trong mạng lưới có liên hệ với hai tổ hợp quốc phòng lớn của Iran, chuyên mua bán các công nghệ lưỡng dụng của nước ngoài dùng cho việc chế tạo tên lửa tầm ngắn Shahab-2 và tầm trung Shahab-3.
Matt Levitt, cựu chuyên gia cao cấp về chống khủng bố và từng là quan chức tình báo tại Bộ Tài chính Mỹ từng cho rằng Chính quyền Mỹ muốn chứng tỏ họ sẽ mở rộng diện đối tượng bị trừng phạt, không chỉ là Trung Quốc, mà là tất những ai hậu thuẫn hay tiếp tay cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Trước khi lệnh cấm được ban hành, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer thừa nhận, việc theo dõi, lên danh sách các tổ chức này đã diễn ra từ dưới thời Chính quyền Barack Obama. Tuy nhiên, sự lựa chọn của ông Trump cho thấy Mỹ sẽ gây sức ép nhiều hơn nhằm vào Iran.