Thông điệp của người đứng đầu LHQ nêu rõ: "Xóa mù chữ là trọng tâm của chương trình nghị sự năm 2030. Đây là nền tảng cho nhân quyền, sự bình đẳng giới và các xã hội bền vững. Đây là chìa khóa để chúng ta thực hiện nỗ lực chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực và cải thiện phúc lợi cho tất cả mọi người".
Ngày 8/9 được chọn là ngày Quốc tế xóa mù chữ. (Nguồn: UN) |
Ông Ban Ki-moon lưu ý, mặc dù trong 5 năm qua các quốc gia đã đạt được nhiều tiến triển quan trọng, song "thế giới vẫn còn phải đi một chặng đường rất dài mới có thể xóa bỏ được hoàn toàn tình trạng mù chữ ở người lớn trên thế giới".
Hiện thế giới đang ngày càng được số hóa và phong phú thông tin, nhiều cơ hội và thách thức mới đang nổi lên với việc có tới hơn 750 triệu người lớn không biết chữ, trong đó 2/3 là phụ nữ và 115 triệu người là thanh niên. Khoảng 250 triệu trẻ em ở độ tuổi học Tiểu học không có những kỹ năng đọc viết cơ bản, trong khi 124 triệu trẻ em và người lớn không được đến trường.
Tổng thư ký Ban Ki-moon nêu rõ, đây đều là những rào cản đối với sự phát triển bền vững và phải được gỡ bỏ bằng cách phát triển và thực thi những chính sách đúng đắn với sự hỗ trợ của những cam kết và nguồn lực tài chính.
Năm nay đánh dấu mốc tròn 50 năm ngày Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) lấy ngày 8/9 làm Ngày Quốc tế xóa mù chữ để nhắc nhở cộng đồng quốc tế về tình hình biết đọc biết viết và học tập của người lớn trên khắp thế giới. Theo UNESCO, chủ đề của năm nay là "Đọc quá khứ, viết tương lai", đồng thời kỷ niệm 5 thập niên các quốc gia và các tổ chức quốc tế không ngừng nỗ lực để tăng tỷ lệ người biết đọc biết viết trên toàn thế giới. Ngoài ra, hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa mù chữ còn nhằm xử lý những thách thức đang tồn tại và tìm kiếm những giải pháp có tính đổi mới để tăng tỷ lệ người biết đọc biết viết trong tương lai. |