Ngày 4/9, phát biểu trước báo giới tại thủ đô Alger (Algeria), ông Kobler cho biết, gần 8 tháng sau khi ký thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc tại Libya, nước này đã vượt qua tình cảnh khó khăn nhờ đạt được những tiến bộ đáng kể về mặt chính trị. Bên cạnh đó là những thành quả của quân đội Libya trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler. (Nguồn: Marsad) |
Tuy nhiên, Chính phủ Libya vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức, trước hết là chống khủng bố và di cư bất hợp pháp, nhất là khi có không dưới 100.000 người di trú bất hợp pháp đến Italy từ nhiều nước châu Phi thông qua Libya. Vấn đề nhân đạo cũng là một thách thức khác đối với Chính phủ Libya và cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ông Kobler hoan nghênh những nỗ lực mà Hội đồng Tổng thống Libya đang triển khai, nhất là quyết định đóng trụ sở tại Tripoli dù có những rủi ro về an ninh, đồng thời cho rằng điều này rất quan trọng để cải thiện tình hình chính trị và an ninh của Libya. Ông Kobler khẳng định, LHQ coi trọng vấn đề an ninh, yêu cầu chính của mọi người dân Libya.
Đặc phái viên Kobler cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nước láng giềng trong việc giải quyết khủng hoảng tại Libya với sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Ông đồng thời cho biết có sự đồng thuận quốc tế (Liên minh châu Phi, Liên đoàn Ả rập, Liên minh châu Âu và LHQ) về sự cần thiết phải giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng tại Libya. Đó là phải viện trợ và hỗ trợ cho Chính phủ Libya và theo yêu cầu của người dân Libya, đồng thời không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia Bắc Phi này.
Libya rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi hồi năm 2011. Hai cơ quan lập pháp và hai chính phủ đã tồn tại song song kể từ khi thủ đô Tripoli bị lực lượng nổi dậy Fajr Libya (Bình minh Libya) chiếm giữ. Điều này đã khiến chính phủ được quốc tế công nhận từng phải chuyển về thành phố Tobruk ở miền Đông làm việc. Dưới sự bảo trợ của LHQ, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) thay thế các chính quyền đối địch được thành lập hồi đầu năm nay, với Hội đồng Tổng thống gồm 9 thành viên do Thủ tướng được chỉ định Fayez al-Sarraj đứng đầu. Tuy nhiên, chính phủ này đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong sự phản đối của các phe phái đối địch. Việc Quốc hội ở miền Đông tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với GNA ngày 22/8 vừa qua đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực của quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng khoảng tại quốc gia Bắc Phi này. |