Tổng thư ký LHQ António Guterres (hàng đầu bên trái), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan (hàng đầu bên phải) chứng kiến Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov (người đứng bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar trao đổi văn kiện thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, ngày 22/7, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Getty) |
Ngày 13/1, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo cho rằng, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón qua các cảng ở Biển Đen tiếp tục đạt hiệu quả, thể hiện qua việc giá lương thực toàn cầu giảm.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về vấn đề Ukraine, bà DiCarlo nhấn mạnh "bất chấp bối cảnh đầy thách thức, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen tiếp tục tạo ra sự khác biệt, bao gồm cả việc giúp giảm giá lương thực toàn cầu".
Đại diện LHQ đưa ra nhận định trên khi dẫn báo cáo của Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) về chỉ số giá lương thực tiếp tục giảm.
Theo bà DiCarlo, hơn 17 triệu tấn lương thực được xuất khẩu theo thỏa thuận trên, đã đến hoặc đang trên đường đến 43 quốc gia trên thế giới. Khoảng 20% tổng khối lượng lương thực này được vận chuyển đến các quốc gia mà Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp.
Phó Tổng thư ký LHQ cho biết thêm, tổ chức này cũng sẽ tiếp tục phối hợp với tất cả các bên liên quan để loại bỏ những trở ngại cản trở hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga, trong đó có cả amoniac.
Bà nhấn mạnh "những mặt hàng xuất khẩu này là 'chìa khóa' để duy trì đà giảm giá và hạn chế tình trạng mất an ninh lương thực và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan hợp tác vì mục tiêu đó".
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu.
Thỏa thuận này ban đầu có hiệu lực trong vòng 120 ngày và hết hạn vào ngày 19/11. Đến ngày 17/11/2022, thoả thuận được nhất trí gia hạn 4 tháng.