📞

Libya: Các phe phái đối địch thảo luận về khủng bố

11:18 | 06/09/2016
Ngày 5/9, đại diện các phe phái đối địch của Libya đã bắt đầu cuộc đàm phán hai ngày do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian tại thủ đô Tunis (Tunisia).

Được biết, mục đích của các cuộc đàm phán là nhằm thảo luận vấn đề chia sẻ quyền lực cũng như mối đe dọa từ các nhóm thánh chiến vốn đang tàn phá quốc gia này.

Lực lượng Libya được LHQ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS. (Nguồn: NY Times)

Cuối năm ngoái, đại diện các phe phái chính trị tham gia Đối thoại Chính trị Libya đã ký kết một thỏa thuận chính trị, qua đó mở đường cho việc thành lập Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) do LHQ bảo trợ. Tuy nhiên, sau 9 tháng thành lập tới nay, GNA do ông Fayez al-Sarraj đứng đầu vẫn chưa thể giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước cũng như không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Libya.

Cơ quan lập pháp được quốc tế công nhận của Libya đã liên tiếp không bỏ phiếu tín nhiệm để GNA có thể đi vào hoạt động chính thức. Hôm 22/8, Quốc hội Libya một lần nữa đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ mới, đồng thời trao "cơ hội cuối cùng" cho Hội đồng Tổng thống đề xuất một danh sách thành phần nội các mới.

Trước tình hình trên, một quan chức tham gia cuộc đàm phán tại Tunis cho biết, vòng đàm phán này được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp khẩn cấp cho cuộc khủng khoảng ở Libya.

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh lực lượng trung thành với GNA đang đối mặt với sự phản kích dữ dội từ phía các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở thành phố duyên hải Sirte. Các lực lượng thân chính phủ đã bắt đầu chiến dịch giành lại Sirte vào tháng 5/2016. Việc IS kiểm soát thành trì Sirte trước đó đã làm dấy lên lo ngại rằng các tay súng thánh chiến có thể sử dụng thành phố này làm bàn đạp tấn công châu Âu.

(tổng hợp)