Vụ việc xảy ra tối 23/1 khi một ô tô phát nổ bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở Al-Sleimani, trung tâm Benghazi khoảng 30 phút trước khi xảy ra một vụ nổ tương tự cũng tại khu vực này.
Trong một động thái phản ứng, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ đã lên án đây là "hành động khủng bố và hèn nhát".
Hiện trường vụ nổ bom ở Benghazi ngày 23/1. (Nguồn: AFP) |
Trong khi đó, Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Libya (UNSMIL) cho rằng các vụ tấn công trực tiếp nhằm vào dân thường có thể quy thành tội ác chiến tranh.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo các vụ việc này tiếp tục đặt ra mối đe dọa đối với nỗ lực khôi phục an ninh và sự ổn định cũng như thực thi pháp luật ở Libya.
Libya đang rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011. Thành phố Benghazi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là các vụ bạo lực nhằm vào các đối tượng ngoại giao và lực lượng an ninh.
Libya hiện bị chia rẽ thành 2 chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. Một hiệp định do LHQ làm trung gian được ký kết tại Morocco hồi cuối năm 2015 đã giúp thành lập GNA trong 1 năm và chỉ được gia hạn thêm 1 lần.
Tuy vậy, trên thực tế, Libya vẫn bị chia rẽ, với GNA có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập do Tướng Haftar hậu thuẫn đóng tại miền Đông.