Nhật Bản kêu gọi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp đầu tiên vào tháng 6 tới. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Nhật Bản đang kêu gọi tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ, được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh vào tháng 6 tới.
Lời kêu gọi của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh nhóm Bộ tứ muốn mở rộng hợp tác để chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo Nikkei Asia.
Đối thoại Tứ giác An ninh, hay còn gọi là Bộ tứ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia này đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên vào tháng 3 vừa qua.
Mặc dù Ấn Độ và Australia không phải là thành viên của G7, nhưng 2 quốc gia này cùng với Hàn Quốc đã được Vương quốc Anh mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Vịnh Carbis, Cornwall, với tư cách là khách mời đặc biệt.
Do vậy, bối cảnh của Hội nghị G7 được cho là rất thuận lợi để tổ chức một cuộc họp giữa các thành viên của Bộ tứ.
Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ dự kiến sẽ thảo luận về những nỗ lực cụ thể nhằm phân phối vaccine Covid-19 ở các nước đang phát triển, cũng như các biện pháp thắt chặt hợp tác về công nghệ cao và biến đổi khí hậu.
4 quốc gia này cũng đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng.
Để đặt nền móng cho Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp sắp tới, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự định sẽ thăm Ấn Độ sau chuyến công du đến Mỹ vào giữa tháng 4, để thảo luận về hợp tác an ninh hàng hải và phát triển cơ sở hạ tầng giữa New Delhi và Tokyo.
Ấn Độ được giới quan sát nhìn nhận là hay thận trọng trong việc duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và phương Tây, và thường do dự trong việc tham gia các nỗ lực công khai để chống lại Trung Quốc.
Thủ tướng Suga Yoshihide hy vọng rằng, buổi gặp mặt với người đồng cấp Ấn Độ có thể củng cố mối quan hệ song phương, tạo thuận lợi cho cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ trong tương lai gần.
Ông Suga cũng có kế hoạch đến thăm Philippines và có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Rodrigo Duterte.
Đây sẽ là chuyến đi thứ 3 của nhà lãnh đạo 72 tuổi tới các nước thành viên ASEAN, sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng tới Việt Nam và Indonesia.
Ông Suga hy vọng sẽ thảo luận những quan ngại chung về chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc trong cuộc gặp với ông Duterte.
Trước khi công du Ấn Độ và Philippines, Thủ tướng Suga dự kiến đến Washington D.C. vào tuần tới để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hai bên dự kiến sẽ ra tuyên bố chung về tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan và có thể sẽ thảo luận về mở rộng hợp tác với Ấn Độ, ASEAN và các nước khác về an ninh và cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao ở Đông Nam Á và Trung Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du tới 6 quốc gia Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iran vào cuối tháng 3.
Trung Quốc đang mong muốn xây dựng quan hệ đối tác ngoại giao để đối phó với sự gia tăng của Bộ tứ, cũng như các nỗ lực khác của Mỹ nhằm gây sức ép với Bắc Kinh.