VFCD lần thứ ba do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và COLAB Việt Nam tổ chức.
Với chủ đề Tương lai sáng tạo, chương trình liên hoan năm nay bao gồm các buổi tọa đàm, hội thảo, triển lãm, chuỗi podcast, cuộc thi cũng như hàng loạt hoạt động và thảo luận trực tuyến về tầm nhìn, xu hướng, bản sắc văn hóa và cơ hội tương lai cho ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Một số hoạt động của Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020. (Nguồn: BTC) |
Chia sẻ về chủ đề năm nay, Giáo sư Julia Gaimster - Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT cho biết: “Các ngành sáng tạo đang đối mặt với thách thức mới - thế giới hậu Covid-19 sẽ không như trước và chúng ta đều cần suy nghĩ xem ‘bình thường mới’ sẽ ra sao.
Chúng ta cần những người tư duy sáng tạo và đổi mới để tìm ra các giải pháp đó. Vậy nên, liên hoan VFCD mong muốn sẽ là diễn đàn nơi mọi người có thể thảo luận về các thách thức này và tìm ra những giải pháp khả thi”.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng VICAS kỳ vọng rằng liên hoan năm nay sẽ tạo ra sức lan tỏa sáng tạo mạnh mẽ hơn trong giới trẻ, cũng như các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ - vốn là chủ thể trọng tâm tạo nên những giá trị cốt lõi và động lực thúc đẩy sáng tạo.
Bà Phương chia sẻ: “Trong bối cảnh như thế này, chúng ta hãy tự tìm lấy sức sống bằng việc khơi dậy và kết nối giá trị sáng tạo của chúng ta trong hoạt động của các ngành văn hóa sáng tạo”.
Tương tự như liên hoan năm ngoái, khán giả năm nay có thể tiếp tục trải nghiệm VFCD trực tuyến gần như hoàn toàn thông qua các kênh mạng xã hội của liên hoan và các nền tảng kỹ thuật số khác. Hầu hết các sự kiện đều diễn ra song ngữ Việt - Anh và không thu phí tham dự.
Chương trình năm nay gồm nhiều hoạt động do các đối tác của liên hoan thực hiện, như The Big Draw (sáng kiến quốc tế nhằm tôn vinh giá trị của nghệ thuật vẽ), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu Nghệ thuật đương đại và chuyển đổi xã hội (CAST), Vietcraft, Work Room Four, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam...
Một hoạt động diễn ra xuyên suốt chương trình liên hoan là chiến dịch nghệ thuật cộng tác trên nền tảng số mang tên To_morrow (Đến tương lai), được tổ chức cùng Behalf Studio - đơn vị cố vấn sáng tạo của VFCD 2021.
Dự án này kêu gọi công chúng đăng ảnh của họ lên Instagram và gắn hashtag để nhận một hình thiết kế riêng được tạo nên từ tấm ảnh đã đăng. Những thiết kế này sẽ trở thành những mảnh ghép đầy màu sắc của một tác phẩm nghệ thuật lớn lên từng ngày trên trang web chính thức của VFCD.
Là đơn vị khởi xướng ý tưởng liên hoan, Đại học RMIT Việt Nam sẽ chủ trì khoảng 10 sự kiện, trong đó có diễn đàn về việc lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật và thiết kế ở Việt Nam, sự kiện “edit-a-thon” nhằm kêu gọi cộng đồng cập nhật và nâng cao chất lượng các trang thông tin về văn hóa nghệ thuật Việt Nam trên Wikipedia, cũng như nhiều buổi hội thảo về thời trang bền vững và nghệ thuật vẽ.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho rằng liên hoan VFCD đã thành công trong việc kết nối các bên liên quan trong ngành văn hóa sáng tạo suốt hai năm qua.
Bà Hường nhận định: “Tôi tin rằng liên hoan VFCD năm nay sẽ tiếp tục thu hút được cộng đồng thậm chí còn đa dạng hơn nữa nhờ tài năng của tất cả những người tham gia, nhất là các bạn trẻ với năng lực truyền thông kỹ thuật số và sức sáng tạo của họ".
Cùng chia sẻ quan điểm này, nhà giáo dục/nghệ sĩ quốc tế Thanh Bùi, nhà sáng lập COLAB Việt Nam, nhấn mạnh rằng, tương lai nằm ở trong tay những người sáng tạo. Đây cũng là cảm hứng để COLAB Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo trong khuôn khổ VFCD 2021 mang tên SÁNG TẠO ƠI, MỞ RA!.
Ông Thanh Bùi nói: “Dù bạn có làm việc trong ngành nghề nào, nếu bạn là người sáng tạo và biết cách khơi nguồn ý tưởng thì bạn sẽ thành công và trở thành nhà lãnh đạo. Vậy nên hãy cùng chúng tôi tạo nên một cộng đồng tuyệt vời của những người Việt sáng tạo, để chúng ta có thể thực sự kết nối với thế giới và đem những sản phẩm và văn hóa Việt Nam ra toàn cầu”.