📞
Khóa 74 Đại hội đồng LHQ:

Liên hợp quốc: Hành động đa phương hướng tới con người

Hà Phương 10:09 | 26/09/2019
TGVN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức tại New York, Mỹ từ ngày 26-29/9.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu khai mạc cuộc tranh luận chung về phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng. (Nguồn: UN Media)
Khóa họp ĐHĐ LHQ 74 khai mạc ngày 17/9 có chủ đề “Tăng cường nỗ lực đa phương nhằm xóa nghèo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, hành động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm”. Bên cạnh Phiên thảo luận chung Cấp cao, một số sự kiện cấp cao cũng được tổ chức như “Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu”, “Cuộc họp Cấp cao của LHQ về Phổ cập chăm sóc sức khỏe toàn dân”, “Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển bền vững”, “Sự kiện Cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về Xóa bỏ Hoàn toàn Vũ khí hạt nhân”…

Giải quyết vấn đề toàn cầu gắn với đời sống

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh:

"Tham gia HĐBA là quyết định quan trọng. Chúng ta thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam nhưng đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là một thành viên trong tổ chức LHQ, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".

Với chủ đề và chương trình như vậy, theo ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, dự kiến thảo luận của ĐHĐ sẽ tập trung hướng tới con người, hướng tới cuộc sống hàng ngày của người dân trên toàn thế giới, mà thiết thực nhất là những điều kiện sống về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế...

Đặc biệt, thảo luận của ĐHĐ được trông đợi sẽ làm rõ mối quan hệ không thể tách rời giữa những điều tưởng như vi mô, hàng ngày đó với những vấn đề vĩ mô, những thách thức mang tính toàn cầu như duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, giải quyết xung đột vũ trang, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Ông Đỗ Hùng Việt cho biết, các nỗ lực đa phương được trông đợi là định hướng then chốt trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu có quan hệ mật thiết với đời sống người dân khắp thế giới.

Có thể nhận thấy, Khóa họp lần thứ 74 của ĐHĐ LHQ diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có những chuyển biến sâu sắc, nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục theo chiều hướng chậm lại, các trào lưu dân túy, bảo hộ, đơn phương đặt ra nhiều trở ngại đối với chủ nghĩa đa phương, toàn cầu hóa và liên kết kinh tế.

LHQ đứng trước nhiều thách thức như hạn chế về nguồn lực trong khi nhiệm vụ ngày càng tăng và đặc biệt là khó khăn do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Các nước lớn tiếp tục tranh thủ vai trò của LHQ nhằm đẩy mạnh tập hợp lực lượng đa dạng, thực dụng theo hướng thúc đẩy lợi ích, gia tăng vị thế trong cạnh tranh chiến lược, phục vụ các mục tiêu đối ngoại của mình.

Tuy nhiên, LHQ vẫn đóng vai trò là thể chế đa phương quan trọng nhất, được các nước vừa và nhỏ trông đợi sẽ đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các nỗ lực hợp tác đa phương, qua đó đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của các nước vừa và nhỏ trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Cam kết đóng góp vào cộng đồng quốc tế

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra:

"Việt Nam đã tự tin trên trường quốc tế. Đây là thời điểm Việt Nam nên chia sẻ, đặc biệt là qua cơ chế hợp tác Nam – Nam những kinh nghiệm về phục hồi sau chiến tranh, xây dựng kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn, cam kết chặt chẽ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vai trò trong lự".

Bên cạnh việc tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 ĐHĐ LHQ và Hội nghị không chính thức các Ngoại trưởng ASEAN và IAMM, nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng sẽ gặp gỡ với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế, các đối tác nước ngoài.

Trong các hoạt động đó, Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, Việt Nam tiếp tục khẳng định với cộng đồng quốc tế cam kết của Việt Nam tiếp tục Đổi mới toàn diện, khẳng định là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của LHQ và cộng đồng quốc tế.

Điều này rất có ý nghĩa trong việc góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển, đồng thời bảo vệ, thúc đẩy các lợi ích chiến lược của đất nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng sẽ khẳng định chủ trương của Việt Nam là tăng cường chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, đề cao vai trò của các thể chế đa phương toàn cầu và khu vực trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế, giải quyết những thách thức chung, và đề xuất những giải pháp cụ thể theo hướng này.

Khóa 74 ĐHĐ LHQ diễn ra trước thềm năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN với LHQ và với các nước đi vào chiều sâu, phục vụ công cuộc phát triển, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cũng có thể đóng góp vào những vấn đề được các thành viên LHQ, ASEAN và cộng đồng quốc tế quan tâm về tăng cường hòa bình, an ninh, phát triển bền vững tại khu vực và trên toàn thế giới; thúc đẩy LHQ và ASEAN phát huy vai trò trong quá trình này.

Trong những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội, tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, giữ vững độc lập và chủ quyền lãnh thổ trước nhiều thách thức, quan hệ với các nước, đặc biệt các nước lớn, tiếp tục mở rộng và đi sâu vào chiều sâu thực chất, hiệu quả.

Cộng đồng quốc tế và LHQ đánh giá cao vai trò, đóng góp và sự tham gia có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, các nỗ lực hợp tác chung nhằm ứng phó với các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Quan hệ Việt Nam – LHQ phát triển mạnh, từng bước chuyển sang quan hệ đối tác.

Ưu tiên nhiệm kỳ 2020-2021

Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul:

"Việt Nam sẽ đóng góp cái nhìn từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam đã đi qua chiến tranh và khôi phục từ những vết thương chiến tranh. Việt Nam cũng gây ấn tượng với phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng. Trong 30 năm trở lại đây, hàng triệu người dân Việt Nam đã thoát nghèo, đó là những ví dụ quan trọng các bạn có thể chia sẻ với thế giới".

Ngày 7/6, Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 trong cuộc bỏ phiếu tại ĐHĐ LHQ với số phiếu cao kỷ lục - 192/193 phiếu.

“Chúng ta mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu, hòa bình an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là mục đích cao nhất mà chúng ta mong muốn đóng góp vào HĐBA”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh sau khi Việt Nam trúng cử.

Trên tinh thần đó, với tư cách ứng viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương cho cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an lần này, Việt Nam đã đưa ra bảy ưu tiên chính, bao gồm: Thứ nhất, ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương. Thứ hai, cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VII của Hiến chương.

Thứ ba, bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang. Thứ tư, phụ nữ, hòa bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang. Thứ năm, giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội. Thứ sáu, các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Thứ bảy, tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh.

Đại sứ Argentina tại Việt Nam Juan Carlos Valle Raleigh:

"Sắp tới Việt Nam sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình trong khu vực, đặc biệt là việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Năm 2017, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký vào thỏa thuận Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Gần đây, Hà Nội – Thành phố vì hòa bình đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Vì vậy, tôi tin trong những năm tới, đây sẽ là một trong những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam khi đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA".