📞

Liên hợp quốc lạc quan trước viễn cảnh của châu Phi

11:10 | 21/10/2017
Phát biểu tại sự kiện cuối cùng của Tuần châu Phi năm nay tại Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ ông Miroslav Lajčák ngày 20/10 nhấn mạnh đến những thay đổi tích cực mà cơ quan phát triển thuộc Liên minh châu Phi đem lại cho châu lục này. 

Trước phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ, ông Lajčák đã đề cao tầm quan trọng của chương trình có tên Đối tác Mới vì sự Phát triển của châu Phi (NEPAD). Chương trình này ra đời vào năm 2001 và sau đó được sáp nhập vào cơ cấu của Liên minh châu Phi nhằm tạo điều kiện và phối hợp việc thực thi những dự án ưu tiên của khu vực và châu lục.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Miroslav Lajčák phát biểu tại sự kiện cuối cùng của Tuần châu Phi 2017 tại trụ sở LHQ ở Mỹ. (Nguồn: UN)

Theo Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, NEPAD đóng vai trò tiên phong, dẫn đến những thay đổi tích cực cho châu Phi. Đơn cử như Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện cho châu Phi của NEPAD đã cải thiện được năng suất nông nghiệp cho châu lục, làm thay đổi cuộc sống của nhiều nông dân châu Phi.

Ngoài ra, NEPAD còn có "công" lớn trong việc gắn kết hoạt động mậu dịch của châu Phi. Việc hoàn tất hiệp định tự do mâu dịch ba bên giữa Thị trường Chung cho Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) và Cộng đồng Đông Phi (EAC) là một bước tiến quan trọng. Ông Lajčák bày tỏ tin tưởng rằng khu vực tự do mậu dịch của cả châu lục không còn là giấc mơ xa vời nữa, mà có thể sớm trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, ông Lajčák nhấn mạnh rằng, cần phải đẩy nhanh tiến triển không chỉ tại hai lĩnh vực nông nghiệp và thương mại, mà cả các lĩnh vực khác như hạ tầng cơ sở, công nghiệp, đa dạng hóa kinh tế và xóa đói nghèo. Theo ông, sự phát triển tại châu Phi không thể bền vững nếu như điều đó không đến từ bên trong.

Hiện tại nhiều quốc gia châu Phi đã tăng cường được khả năng huy động các nguồn lực trong nước và xử lý các luồng tài chính bất hợp pháp. Song trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, những nỗ lực trong nội bộ châu Phi cần phải nhận được sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có các cơ quan LHQ, cũng như các nguồn đầu tư, trợ giúp tài chính và kỹ thuật.

Theo ông Lajčák, cũng phải giải quyết những gốc rễ của đói nghèo và xung đột vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nếu không làm được điều này thì việc ký kết một hiệp định tự do "sẽ chỉ giống như một bà mẹ có con nhỏ đang mắc bệnh sốt rét". Tương tự, khó có thể mong đợi đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào những mảnh đất còn chìm trong bom rơi đạn lạc.

Do đó, ông Lajčák nhấn mạnh rằng châu Phi cần phải có một tầm nhìn thật rõ ràng, theo đó mọi thành phần trong xã hội được lợi từ sự tăng trưởng và phát triển, bệnh sốt rét hay những bệnh tật khác không còn là bản án tử hình đối với hàng trăm nghìn người mỗi năm, có những cơ chế cảnh báo sớm xung đột để có thể sử dụng thành công biện pháp trung gian hòa giải, thay vì bạo lực, có những thể chế mạnh có sự tham gia và lãnh đạo của cả phụ nữ và thanh niên và có sự quản trị tốt. Ông bày tỏ lạc quan tin rằng viễn cảnh này đang ngày càng gần trở thành hiện thực.

Tại phiên họp toàn thể nói trên, các nước thành viên LHQ đã tranh luận về NEPAD cũng như đánh giá chương trình xóa sổ bệnh sốt rét tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là châu Phi.

(theo UN, TTXVN)