LHQ đã chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. (Nguồn: Greening the Blue) |
Các lãnh đạo LHQ cũng như đại diện ngoại giao của 193 nước thành viên LHQ làm việc tại khu trụ sở New York đều cho rằng đã đến lúc LHQ cần tiến thêm một bước tiên phong nữa trong nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững bằng những việc thiết thực nhất, ngoài việc LHQ luôn là "khách hàng trung thành" mua và sử dụng điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo.
Theo Giám đốc phụ trách cơ sở hạ tầng và dịch vụ thương mại của trụ sở LHQ tại New York Andrew Nye, sau 3 tháng thực hiện, dự án đã có những thành công nhất định bởi không chỉ cán bộ, nhân viên LHQ mà phái đoàn đại diện các nước đều đã quen với việc không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Ông cũng cho biết khi dự án mới được triển khai cũng có một số thách thức nhưng giờ mọi thứ đã tiến triển theo hướng thuận lợi và tích cực.
Trước khi LHQ quyết định chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần, mỗi ngày có tới 150.000 chai nước nhựa được bán ra trong 6 nhà hàng và quán cà phê ở trụ sở LHQ để phục vụ hàng nghìn người thường xuyên làm việc tại đây, chưa kể hàng nghìn khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới tới thăm tòa nhà biểu tượng của hòa bình và chủ nghĩa đa phương thế giới này.
Hiện nay, tất cả các cốc đựng cà phê, trà, hộp đựng thức ăn cho đến ống hút và que khuấy cà phê ở trụ sở LHQ đều làm bằng giấy; các chai thủy tinh đựng nước sẽ được tiệt trùng và dùng lại nhiều lần; tất cả các loại dao, dĩa, thìa cũng đều được làm bằng giấy hoặc gỗ nhẹ.
Một vấn đề đặt ra là việc chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường cũng khiến giá cả đồ ăn, đồ uống trong LHQ tăng đáng kể, từ 50% - 70%. Ông Rad Zivkovic, Phó Chủ tịch tập đoàn CulinArt, đơn vị được chọn cung cấp dịch vụ ăn uống tại trụ sở LHQ, cho biết mặc dù giá tăng nhưng khách hàng tại LHQ điều hiểu ý nghĩa của việc không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu để có thể sản xuất các sản phẩm với giá phải chăng hơn, hy vọng sắp tới khi ngày càng nhiều người hưởng ứng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thì sẽ có nhiều nhà cung cấp nguyên liệu chất lượng hơn để sản phẩm có thể đến với người tiêu dùng ở mức giá phải chăng”.
LHQ cũng kêu gọi từng người trong cộng đồng quốc tế làm việc tại trụ sở rộng lớn này tự mang đồ dao, dĩa, bát đĩa riêng của mình đi làm để dùng lại nhiều lần. Theo tính toán của LHQ, nếu mỗi cán bộ ở đây dùng bình đựng nước riêng, cốc cà phê riêng tự mang đi thì mỗi năm mỗi người bớt sử dụng được ít nhất 200 bình nhựa.
Theo Chương trình Môi trường LHQ, con người đã sản xuất ra khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa kể từ những năm 1950 đến nay và con số này sẽ tăng lên tới 34 tỷ tấn nhựa vào năm 2050. Ngành sản xuất đồ nhựa được dự báo sẽ tăng 40% trong vòng 10 năm tới, nhất là khi nhiều nhà máy sản xuất đồ nhựa thế hệ mới vẫn liên tục mọc lên ở khắp nơi, nhất là Mỹ.
Tình trạng rác thải nhựa ngày càng gia tăng trên khắp thế giới đang là vấn đề nhức nhối bởi rác thải nhựa không thể tiêu hủy được dù có trải qua hàng trăm năm và hệ quả là hệ thống sinh thái, đại dương, sông ngòi bị phá hủy trầm trọng bởi nguồn rác này.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi thế giới hãy chung tay bảo vệ Trái đất, bảo vệ môi trường trước khi quá muộn, bởi "nếu cứ để tình hình tiếp tục như thế này thì đến năm 2050, đại dương của chúng ta sẽ chứa nhiều nhựa hơn là cá”.