📞

Liên kết cùng hướng tới AEC 2015

14:30 | 10/12/2015
Chưa bao giờ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết lại trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng như lúc này.

Trong hơn 20 năm dưới mái nhà chung ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực khẳng định vị thế và uy tín quan trọng trong việc thúc đẩy đoàn kết, hợp tác giữa các nước thành viên, góp phần tăng cường sức mạnh của tổ chức trên trường quốc tế.

Liên kết tạo sức mạnh

Với mục tiêu phát triển ASEAN trở thành một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và vốn được lưu chuyển tự do, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế - xã hội được giảm bớt vào năm 2020, tại Hội nghị Bali diễn ra vào tháng 10/2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra tuyên bố về việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Sự hội nhập của các quốc gia thành viên ASEAN thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư đã tạo nên thị trường chung của một khu vực có dân số 650 triệu người, GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Nếu thành công, AEC sẽ là sự hòa nhập khu vực một cách toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên.

Là thành viên ASEAN, Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi trong việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm và trình độ khoa học công nghệ quốc gia, đẩy mạnh tiến trình cải cách và cơ cấu nền kinh tế ngày một năng động, hiệu quả. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng, đặc biệt khi ASEAN tiếp tục lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa (ATIGA) về xóa bỏ hàng rào thuế quan cho các nước thành viên từ năm 2015 đến năm 2018 đã đặt ra cho Việt Nam những thách thức cần giải quyết, đó là vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm giữa các nền kinh tế, về các rào cản trong thực hiện hợp tác kinh tế, thương mại...

Để hội nhập AEC và rộng hơn là thị trường thế giới thành công, việc liên kết lại trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ là những việc cần phải được ưu tiên thực hiện, nếu chúng ta muốn cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp ASEAN trong bối cảnh AEC chính thức được thực thi từ cuối tháng này.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015

Nhằm mục tiêu cùng các nước ASEAN hiện thực "Tầm nhìn 2020", tiến tới xây dựng Cộng đồng ASEAN trở thành nhân tố tích cực của Cộng đồng châu Á, nhân kỷ niệm 20 năm ngày Việt Nam gia nhập khối ASEAN (28/7/1995-28/7/2015), kỷ niệm 48 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2015), hướng tới mục tiêu xây dựng AEC (31/12/2015), Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phối hợp với Báo Thế giới & Việt Nam, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chương trình "Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015".

Chương trình nhằm báo cáo tổng kết các thành tựu phát triển về kinh tế, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, môi trường lao động của Việt Nam trong hơn 20 năm gia nhập khối ASEAN. Đồng thời, là cơ hội để các nhà quản lý, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức, nắm bắt và hiểu rõ tính tích cực, mức độ tác động của ATIGA về xóa bỏ hàng rào thuế quan với thuế suất bằng 0% cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam theo lộ trình thực hiện của ASEAN từ năm 2015 đến năm 2018.

Trên cơ sở đó, Diễn đàn kiến nghị các cách thức, phương pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước trong khối ASEAN thời gian tới. Từ đó, chương trình này góp phần khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, mở rộng tự do hóa kinh tế với các nước thành viên, tạo thuận lợi về lưu chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN, tạo dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm Việt Nam trong tiến trình hợp tác khu vực và hội nhập quốc tế.

Chương trình Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015 diễn ra trong ngày 13/12/2015, gồm ba hoạt động chính là Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015”, Tiếp kiến Lãnh đạo Chính phủ và "Giao lưu Văn hóa ASEAN 2015".

An Sinh