📞

Liên minh khí đốt mới Nga-Kazakhstan-Uzbekistan: ‘Tình tay ba’ nhiều toan tính

Minh Anh 16:12 | 09/10/2023
Đây là lần đầu tiên Uzbekistan nhập khẩu khí đốt từ Nga. Theo thỏa thuận kéo dài hai năm được ký với Gazprom, Uzbekistan sẽ nhập khẩu 9 triệu m3 khối khí đốt Nga mỗi ngày. Khối lượng trên tương ứng với khoảng 2,8 tỷ m3/năm, nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt năng lượng ngày càng trầm trọng trong mùa Đông.
Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller trình bày về việc thực hiện dự án Liên minh khí đốt mới Nga-Kazakhstan-Uzbekistan. (Nguồn: TASS)

Ngày 7/10, với sự có mặt của người đứng đầu ba nước Nga-Kazakhstan-Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức thông báo khởi động đường ống khí đốt tự nhiên từ Nga tới hai quốc gia Trung Á là Kazakhstan và Uzbekistan. Theo đó, dòng nhiên liệu dồi dào từ Nga sẽ được chuyển tới Kazakhstan và một phần trong đó sẽ được chuyển tiếp tới Uzbekistan.

Phần thưởng cho người “không sợ nguy hiểm”

Đây được đánh giá là “một dự án, ba bên cùng vui” khi không chỉ Nga nóng lòng bán được dòng năng lượng đầy ắp của mình, mà hai đối tác Kazakhstan và Uzbekistan đều được hưởng lợi đáng kể, góp phần tăng cường an ninh năng lượng của khu vực.

Xuất khẩu khí đốt của Nga đã giảm 21,5% trong năm 2022 do người mua hàng lớn nhất là Liên minh châu Âu (EU) giảm đáng kể nhập khẩu, liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nga chưa bao giờ được cung cấp khí đốt cho các nước Trung Á. Trong khi đó, Uzbekistan, dù là quốc gia giàu tài nguyên, lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu.

Như vậy, có vẻ như “dự án năng lượng ba bên lớn nhất” do Tổng thống Nga Putin đề xuất vào năm ngoái cuối cùng đã thành hình. Người ta vẫn đồn đoán về “mối tình tay ba này”, bởi bất kỳ sự hợp tác chặt chẽ hơn nào với Nga đều được cho là nguy hiểm, trên các phương diện khác nhau.

Tuy nhiên, trên tất cả, chính quyền Kazakhstan và Uzbekistan đều lo ngại về sự bất mãn âm ỉ trong nước, khi mùa Đông đang đến rất gần, mang theo tình trạng thiếu khí đốt dai dẳng và có thể trầm trọng hơn.

Trước đó, với mức độ tài nguyên dồi dào sẵn có, tưởng chừng như Kazakhstan và Uzbekistan đều không thể gặp vấn đề gì với khí đốt. Kazakhstan có trữ lượng khí đốt tự nhiên hơn 3 nghìn tỷ m3, trong khi Uzbekistan có 1,8 nghìn tỷ m3. Các nước này hàng năm sản xuất lần lượt hơn 30 và 50 tỷ m3 khí đốt.

Về lý thuyết, khối lượng đó phải đủ cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thậm chí, năm 2021, Bộ trưởng năng lượng khi đó của Uzbekistan Alisher Sultanov tuyên bố, “nước này có đủ khí đốt cho 3 lần dân số Uzbekistan”.

Tuy nhiên, mùa Đông vừa qua, người dân khắp đất nước, kể cả ở thủ đô, phải chịu cảnh thiếu năng lượng sưởi ấm. Các tài xế phải xếp hàng hàng giờ để mua xăng và nhiều trạm xăng phải đóng cửa. Kazakhstan cũng gặp phải đối mặt với những vấn đề tương tự.

Trên thực tế, sản lượng khí đốt của các nước này lại không đủ để đáp ứng cả nghĩa vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang tăng nhanh. Tỷ trọng khí đốt trong cân bằng năng lượng của Kazakhstan không ngừng tăng lên: 57% người dân có nhu cầu khí đốt vào cuối năm 2021, so với chỉ 30% vào năm 2013.

Ở Uzbekistan, khí đốt chiếm hơn 80% mức cân bằng năng lượng quốc gia. Nhiều lý do khiến mức tiêu dùng nội địa tăng hằng năm tới 7-10% ở Uzbekistan, trong khi ở Kazakhstan là tốc độ tăng trưởng dân số khoảng 1,5-2%/năm, xây dựng và phát triển công nghiệp cũng ngày càng tăng. Sản lượng công nghiệp dự kiến tăng 4% ở Kazakhstan, thậm chí còn nhiều hơn ở Uzbekistan, nơi chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục 9,5% vào năm 2021.

Ngoài nhu cầu trong nước, hai quốc gia Trung Á đều đồng ý xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc.

Tuy vậy, năm 2022, tình trạng thiếu hụt trên thị trường nội địa khiến Tashkent tuyên bố tạm dừng xuất khẩu khí đốt sang Bắc Kinh và Astana.

Kazakhstan và Uzbekistan có thể đã muốn ưu tiên cung cấp hàng cho Trung Quốc để giành được thiện cảm với đối tác chiến lược và nhận được nguồn thu ngoại tệ, nhưng khi nguồn năng lượng không đủ cho chính người dân và các cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước lặp đi lặp lại, gây ra mối đe dọa về sự ổn định chính trị.

Đầu năm ngoái, khí đốt là nguyên nhân chính gây ra các cuộc biểu tình ở Kazakhstan với hơn một triệu người tham gia. Ở Uzbekistan, cuộc khủng hoảng năng lượng mùa Đông vừa qua gây ra hàng loạt cuộc biểu tình ở các địa phương, khiến nhiều quan chức cấp cao mất việc. Vì lý do đó, họ phải tìm kiếm một con đường khác để thoát khỏi vấn đề này.

Giải pháp tối ưu của cả ba bên

Giải pháp tối ưu là bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Nga và Turkmenistan, vì cơ sở hạ tầng để bơm khí đốt từ các quốc gia này đã sẵn sàng. Giống như Nga, Turkmenistan là cường quốc khí đốt toàn cầu, có trữ lượng lớn thứ tư thế giới và sản lượng hàng năm trên 80 tỷ m3. Năm 2022, Kazakhstan và Uzbekistan lần đầu tiên đồng ý nhập khẩu trực tiếp khí đốt của Turkmenistan. Nhưng Turkmenistan sớm khiến các đối tác mới của mình thất vọng, kết quả là, nếu chỉ dựa vào Ashgabat sẽ không giải quyết được nhu cầu chung của riêng hai nước, dẫn tới tình trạng thiếu năng lượng ngày một trầm trọng.

Trong khi đó, với khả năng vượt trội hơn Turkmenistan, đối tác Nga có thể vừa cung cấp khí đốt, vừa hỗ trợ xây dựng và hiện đại hóa các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất, quản lý cơ sở hạ tầng năng lượng và các khía cạnh công nghệ khác.

Bất chấp một số tuyên bố và lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine, cả Tashkent và Astana vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moscow. Trong khi đó, ở phía bên kia, Nga hiện có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để thúc đẩy một dự án năng lượng thành công với Kazakhstan và Uzbekistan.

"Người khổng lồ" năng lượng Nga đã khá quen thuộc với thị trường khu vực, đồng thời, lại đang quan tâm hơn bao giờ hết đến việc mở rộng sang thị trường Trung Á dù nó tương đối nhỏ. Từ khi các nước EU từ chối mua năng lượng Nga, nước này đã dư thừa khoảng 150 tỷ m3 khối khí đốt. Tất nhiên, Uzbekistan và Kazakhstan sẽ không thay thế được thị trường châu Âu rộng lớn, nhưng ít nhất, họ có thể giúp Nga xoa dịu những “cú đòn”.

Các quốc gia Trung Á thậm chí có thể tận dụng tình trạng “bị ruồng bỏ” hiện tại của Nga để có được một thỏa thuận tốt hơn. Như nhà phân tích Sergei Kapitonov của Skoltech tin rằng, Kazakhstan và Uzbekistan có thể đàm phán mức giá khí đốt của Nga thấp hơn mức giá mà Trung Quốc phải trả cho khí đốt từ các quốc gia đó. Theo đó, thỏa thuận với Nga sẽ giúp họ bù đắp lượng thiếu hụt cho thị trường nội địa, đồng thời còn nhận được ngoại tệ nhờ xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Có thông tin cho rằng, Nga bắt đầu vận chuyển khí đốt tới cả hai nước Trung Á, mặc dù không có nhiều chi tiết được tiết lộ.

Hợp tác khí đốt chặt chẽ hơn với Moscow mang lại cả nguy hiểm và phần thưởng. Một mặt, giới quan sát cho rằng, việc thảo luận công khai về hợp tác với Nga lúc này là rất rủi ro, nhưng sau đó sẽ là những chuyến hàng thường xuyên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bên nhận. Nguồn cung thường xuyên sẽ giúp Uzbekistan và Kazakhstan bảo đảm tăng trưởng kinh tế, trấn an công chúng và giải quyết các hợp đồng đã ký với Trung Quốc.

Mặt khác, Nga sẽ có đòn bẩy lớn hơn nữa đối với các quốc gia Trung Á. Điều này sẽ làm phức tạp thêm các chính sách đối ngoại đa chiều của Tashkent và Astana, đồng thời, buộc họ phải trì hoãn vô thời hạn quá trình tách mình ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga.

(theo TASS, Carnegieendowment)