Nguy cơ mất niềm tin
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo về mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, song không chỉ có Bình Nhưỡng phải để tâm tới hàng loạt bình luận gay gắt của Washington. Ở phía bên kia Khu vực phi quân sự (DMZ), ranh giới chia cắt duy nhất 2 miền từ thời Chiến tranh Lạnh còn sót lại, người dân Hàn Quốc cũng đang thấp thỏm không yên sau những tuyên bố gần đây của người đứng đầu Nhà Trắng.
Hải quân Mỹ - Hàn trong một cuộc tập trận chung tháng 3/2017. |
Theo Washington Post, giới quan sát khu vực có thể nhanh chóng dẫn chứng hàng loạt tuyên bố gây lo ngại và khó hiểu của Tổng thống Trump trong những ngày gần đây. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 1/5, ông Trump cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người “thông minh” và ngỏ ý sẵn sàng gặp gỡ ông Kim vào thời điểm phù hợp.
Đây là tuyên bố được đưa ra sau khi ông Trump yêu cầu Seoul chi trả cho kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Ông Trump cũng từng đặt câu hỏi về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Hàn được ký dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush và có hiệu lực từ năm 2012. Hơn thế nữa, hồi tháng trước, bình luận của ông Trump cho rằng bán đảo Triều Tiên vốn là một phần của Trung Quốc đã khiến không ít người dân Hàn Quốc vô cùng tức giận. Thậm chí một số người còn cho rằng mối đe dọa lớn đối với cuộc sống của họ là Tổng thống Mỹ Donald Trump chứ không phải Triều Tiên.
Người đang dẫn đầu cuộc chạy đua vào Nhà Xanh theo nhiều cuộc thăm dò dư luận là ông Moon Jae-in, một người có tư tưởng tự do và ôn hòa hơn nhiều so với cựu Tổng thống Park Geun-hye hiện đang bị giam giữ. Ông Moon, người muốn tìm cách hòa giải với miền Bắc và chấm dứt việc cô lập quốc gia này, cam kết nếu đắc cử sẽ xem xét lại việc triển khai THAAD của chính quyền tiền nhiệm - một quyết định khiến Trung Quốc tức giận và khiến những người yêu chuộng hòa bình ở Hàn Quốc không khỏi lo ngại về nguy cơ căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại một khu vực vốn đã luôn bất ổn. Anna Fifield, cây bút của tờ Washington Post, bình luận: “THAAD được triển khai với mục đích bắn hạ các tên lửa của Triều Tiên, song nhiều người Hàn Quốc lo ngại rằng hệ thống này sẽ khiến họ càng dễ trở thành mục tiêu bị nhắm đến”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Washington Post, ông Moon Jae-in đã thể hiện sự thất vọng với quyết định của Mỹ khi vội vàng triển khai THAAD trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tại Hàn Quốc, cho rằng điều này vô hình trung đã “trói tay” chính quyền tương lai ở Nhà Xanh. Ông nói: “Tôi không tin là Mỹ muốn tác động tới cuộc bầu cử của chúng tôi, song tôi cũng hoài nghi về khả năng ấy. Việc chính quyền Hàn Quốc vội vàng triển khai THAAD ở thời điểm nhạy cảm này là không hợp lý, nhất là khi cuộc bầu cử đang tới gần, và quyết định này đã được đưa ra mà không hề thông qua bất kỳ tiến trình dân chủ nào, không có bất kỳ đánh giá cụ thể nào về tác động tới môi trường. Nếu Hàn Quốc có thêm thời gian để cân nhắc vấn đề này một cách dân chủ thì người dân Hàn Quốc sẽ tin tưởng họ hơn và mối quan hệ liên minh sẽ càng bền chặt hơn”.
Quyết định triển khai THAAD cùng yêu cầu của ông Trump về việc Hàn Quốc phải trả khoản tiền 1 tỷ USD cho hệ thống này đã khiến chính trường và báo giới Hàn Quốc không khỏi bàng hoàng. Nhật báo Chosun, một tờ báo cánh hữu nổi tiếng, chạy dòng tít trên trang nhất: “Tuyên bố của ông Trump làm lung lay liên minh Mỹ-Hàn”. Bài xã luận được tờ báo này đăng tải có đoạn: “Có những vấn đề quan trọng hơn tiền bạc. Nếu một quốc gia sẵn sàng gây tổn thương cho mối quan hệ liên minh chỉ vì tiền hay kinh tế, thì lòng tin giữa hai bên chắc chắn sẽ bị hủy hoại”.
Nhật báo Dong-A có tư tưởng bảo thủ thì chỉ trích Tổng thống Mỹ Trump đang “rải bom” bằng loạt tuyên bố gây sốc trước thềm cuộc bầu cử Hàn Quốc. Tờ báo nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng ông Trump sẽ thận trọng với lời nói của mình. Ai sẽ vui mừng khi liên minh này lung lay?”.
Địa điểm đặt hệ thống THAAD sẽ là Câu lạc bộ Golf Skyhill Country của Lotte. (Nguồn: Yonhap) |
Chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt"
Những thông điệp gây khó hiểu gần đây của Nhà Trắng trong lúc chiến dịch tranh cử ở Hàn Quốc đang ở giai đoạn gay cấn lại càng làm phức tạp hóa chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Ông Trump, người tuyên bố ủng hộ học thuyết “nước Mỹ trên hết”, phản đối ngoại giao đa phương và hoài nghi về những cam kết lâu dài của Mỹ ở nước ngoài, dường như đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong việc làm hài hòa và xử lý mối quan hệ với các đồng minh lâu đời.
Giám đốc phụ trách mảng thông tin chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Michael Anton nói: “Mỹ bị hạn chế về nhiều mặt. Chúng tôi không thể buộc các nước khác phải làm thế này hay thế kia. Chúng tôi có thể gây áp lực, song nếu không có đối thoại, không có bất kỳ mối quan hệ nào thì tất cả cũng chỉ vô ích. Nếu chúng ta từ bỏ mối quan hệ thì sẽ không có bất kỳ tiến triển nào”. Ông Trump rõ ràng đang dùng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” để xử lý các mối quan hệ song phương, song dường như ông chỉ làm như vậy với những quốc gia như Đức hay Hàn Quốc, nơi Mỹ đang duy trì một mối quan hệ tốt đẹp và bền vững.
Ông David Straub, một nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu và từng làm việc với các đối tác người Hàn Quốc, nhận định: “Hàn Quốc đang khá căng thẳng với tất cả các phát biểu của ông Trump, song tôi cho rằng nguyên nhân của sự căng thẳng này là bởi họ vẫn chưa hiểu rõ ông ấy là người như thế nào. Họ biết ông ấy không phải là vị một tổng thống theo kiểu truyền thống và họ xem nhẹ khá nhiều những gì ông ấy nói, song thực tế là các tuyên bố kiểu này thường kéo theo những hệ quả nghiêm trọng”.
Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại tỏ ra khá lạc quan. Trao đổi với Washington Post, ông nói: “Tôi cho là Tổng thống Trump có lý do để nói như vậy, nhiều hơn những gì người ta vẫn nghĩ. Ông ấy có những phát biểu cứng rắn đối với Triều Tiên, song trong giai đoạn tranh cử tại Hàn Quốc, ông ấy lại nói rằng có thể cân nhắc việc nói chuyện trực tiếp với Kim Jong-un. Tôi cho là ông ấy có cách tiếp cận khá thực dụng để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên”.