Xe tăng Leopard 2 cung cấp cho Ukraine sẽ không đủ 2 tiểu đoàn tiêu chuẩn như Đức đã hứa. (Nguồn: Wikipedia) |
Ngày 15/2, phát biểu sau cuộc họp của đại diện nhóm "liên minh xe tăng Leopard 2" bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, không có cam kết mới nào đối với việc chuyển giao xe tăng Leopard 2.
Hiện nay, chỉ có Đức và Bồ Đào Nha cam kết chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 mới, trong đó bao gồm 14 xe tăng từ Đức và 3 chiếc nữa từ Bồ Đào Nha.
Trong khi đó, truyền thông đưa tin Đan Mạch và Hà Lan sẽ không chuyển giao xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Kiev như Berlin.
Do đó, Ukraine sẽ không nhận được 2 tiểu đoàn xe tăng đầy đủ, khoảng 31 chiếc mỗi tiểu đoàn, như mục tiêu mà chính phủ Đức đã công bố hôm 25/1.
Phản ứng về việc này, trong chương trình trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Phoenix (Đức) phát sóng cùng ngày, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã kêu gọi các nước cùng với Đức cung cấp xe tăng cho Ukraine.
Ông Borrell nhấn mạnh: “Các quốc gia phải cung cấp càng nhanh và càng nhiều xe tăng càng tốt. Sẽ rất đáng thất vọng nếu sau thời gian dài chỉ trích Đức không làm gì cả, những nước này giờ lại không làm theo..."
Theo ông, có hàng trăm xe tăng trong quân đội của các quốc gia thành viên EU, một vài trong số này cần được tân trang, nhưng sau đó "các bạn phải cung cấp xe tăng cho Kiev một cách nhanh chóng, bởi vì vào mùa Xuân thì điều đó sẽ là quá muộn”.
Cũng trong ngày 15/2, theo đại diện lực lượng không quân của Đức, việc huấn luyện khoảng 70 binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống phòng không Patriot ở Đức đang tiến triển nhanh chóng.
Các binh sĩ Ukraine có tinh thần rất cao và thường đã có kinh nghiệm trong chiến đấu, do đó việc huấn luyện họ đạt kết quả "nhanh hơn dự kiến".
Patriot là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất trên thế giới. Hệ thống này có thể được sử dụng để tiêu diệt máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Cùng với Mỹ, Đức đã đồng ý cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không hiện đại này để chống lại các cuộc tấn công đường không của Nga.
Về đạn dược cho pháo phòng không Gepard, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius cho hay, Ukraine vẫn có đủ cơ số đạn để sử dụng đến mùa Hè tới. Mới đây, tập đoàn vũ khí Rheinmetall của Đức đã giành được hợp đồng mới sản xuất loại đạn pháo này.