TIN LIÊN QUAN | |
Tuổi 50 tạo nguồn cảm hứng | |
Năm khẳng định giá trị và sức sống ASEAN |
“Sinh nhật tuổi 50" với không ít thách thức
Philippines là nước Chủ tịch ASEAN trong năm đặc biệt này. Với chủ đề "Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cam kết phát triển ASEAN, ngôi nhà chung của hơn 640 triệu người dân ở các nước có trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau, trở thành một hình mẫu lý tưởng cho chủ nghĩa khu vực và là một "người chơi" toàn cầu khi đặt lợi ích của người dân ở vị trí trung tâm.
Khi đón nhận chức Chủ tịch ASEAN từ nước Chủ tịch ASEAN 2016 - Lào ngày 8/9/2016, Tổng thống Philippines Duterte đã hứa sẽ dẫn dắt Hiệp hội theo đuổi những sáng kiến và thúc đẩy hợp tác với các đối tác toàn cầu trong khi vẫn giữ được tính trung tâm, đoàn kết và thống nhất của Hiệp hội.
Lễ kỷ niệm 50 năm của ASEAN có thể trở thành điểm khởi đầu để Hiệp hội chuẩn bị cho việc đối mặt với các thách thức mới trong khu vực. Là chủ tịch ASEAN 2017 và một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội, Philippines còn rất nhiều việc phải làm để có thể dẫn dắt khu vực đạt tới sự thịnh vượng, ổn định và đối mặt với những thách thức lớn của mỗi thành viên, trong khu vực và cả thế giới.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cam kết phát triển ASEAN trở thành một hình mẫu lý tưởng cho chủ nghĩa khu vực. (Nguồn: Philippines News Now) |
Trong vài năm gần đây, thương mại nội khối giữa các nước thành viên ASEAN đang bị chững lại ở mức 20-24% mặc dù giữa các nước đã dỡ bỏ phần lớn hàng rào thuế quan. Năm 2017 là năm thứ hai sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những trì hoãn trong việc thực hiện các biện pháp và nhiều vấn đề trong AEC vẫn chưa được tháo gỡ. Những vấn đề này cần được giải quyết triệt để nếu ASEAN muốn mở rộng tham vọng của mình. Việc có hay không đạt được Kế hoạch tổng thể 2025 sẽ là một dấu mốc mới cho ASEAN.
Một thực tế rõ ràng rằng, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, kinh tế thế giới trì trệ và những bất ổn bủa vây đang là những lực cản lớn cho nỗ lực hội nhập khu vực và có thể làm ảnh hưởng đến chuỗi cung toàn cầu. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại toàn cầu mới đang bị đình trệ. Những tiến triển trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đột ngột bị dừng lại sau chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thực tế này tạo ra càng nhiều áp lực cho ASEAN trong việc tiến hành các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Vai trò nước chủ tịch còn trở nên nặng nề hơn khi một số nước trong Hiệp hội đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ những cam kết hiện có hoặc nâng cấp những cam kết trong các thỏa thuận tự do thương mại trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+1. Đồng thời, việc hiệp hội ASEAN vẫn còn thiếu vắng những cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp, điều này càng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Hiện nay, ASEAN giải quyết vấn đề thông qua thảo luận theo "cách thức ASEAN" - “ASEAN way” chứ chưa có những ràng buộc chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc hạn chế nguồn ngân sách và nhân lực xảy ra với hầu hết các thành viên trong khu vực là một khó khăn trong khi các nước đều cố gắng đạt được các cuộc đàm phán một cách kịp thời.
Trong thời gian tới, ASEAN cũng sẽ gặp phải những khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump có tác động phạm vi toàn cầu, những câu hỏi về Brexit và sự ổn định ở châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể xảy ra. Trước những thách thức ấy, liệu ASEAN có thể hội nhập ở cấp độ cao hơn dưới sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Philippines là một câu hỏi lớn.
Lựa chọn của nước Chủ tịch
Để biến những mong ước trở thành hiện thực, Chính phủ Philipines đã tuyên bố 9 nội dung chính cần đạt được trong năm Chủ tịch 2017, trong đó tập trung vào thúc đẩy những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), kết thúc Thỏa thuận Thương mại trong các ngành dịch vụ ASEAN, đánh giá lại AEC và toàn bộ thương mại trong ASEAN, đưa ra Tuyên bố ASEAN về Đổi mới, Phụ nữ và các Doanh nhân trẻ…
Với GDP đạt 2,6 nghìn tỷ USD, AEC là khối kinh tế lớn thứ bảy toàn cầu. Với dân số hơn 620 triệu người, AEC là thị trường lớn thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Philippines sẽ nhấn mạnh đến ASEAN của MSMEs như là động lực chính cho tăng trưởng toàn diện trong khu vực.
Philippines rất hợp lý khi muốn đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). (Nguồn: Bangkok Scoop) |
Philippines rất hợp lý khi muốn đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) bởi nhờ đó, các nước trong khu vực có thể vượt qua được những rào cản phát triển và kích thích các nền kinh tế nội địa của các nước thành viên cũng như khu vực. SMEs là động lực chính và cũng là lực lượng đóng góp chính cho tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế ASEAN. SMEs chiếm 95% tới 99% số các doanh nghiệp được thành lập và 51% đến 97% tổng số việc làm trong nhiều nước thành viên ASEAN. Các SMEs chiếm khoảng từ 23% đến 58% trong GDP các nền kinh tế ASEAN và khoảng 10% đến 30% xuất khẩu các nước. Bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, SMEs có thể tận dụng các cơ hội thương mại và đầu tư và hưởng lợi từ hội nhập kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, hầu hết SMEs ở quy mô trong nước và khu vực còn đang phải đấu tranh trong các hoạt động của mình. Điều này đã làm hạn chế khả năng của các doanh nghiệp và khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải cạnh tranh quốc tế do hạn chế về vốn, nguồn lực, bao bì chưa đẹp, các kế hoạch tiếp thị và xây dựng mạng lưới còn kém.
Để ASEAN tiến về phía trước, 10 nước thành viên Hiệp hội cần phải chung tay. Trách nhiệm đẩy mạnh hội nhập kinh tế không chỉ của nước Chủ tịch mà mỗi nước thành viên trong ASEAN cần chia sẻ trách nhiệm thúc đẩy tiến trình này cũng như hỗ trợ tất cả các kế hoạch công tác đã được thông qua.
Đồng thời, tất cả các nước thành viên cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề còn lại để hạn chế tối đa sự khác biệt nội khối. Các thành viên cũng nên khai thác tất cả các cơ hội kinh tế có thể dự đoán trước để tránh những thua thiệt lớn hơn trong khu vực. Nếu các nước thành viên ASEAN có thể thực hiện được những ý tưởng này, chắc chắn Hiệp hội sẽ có thể phát triển lên một đẳng cấp cao hơn.
ESCAP - ASEAN: Cùng nỗ lực vì sự thịnh vượng chung ESCAP cho rằng trong một khu vực kết nối với nhau, một ASEAN thịnh vượng có lợi cho cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương. |
Quảng bá đất nước, văn hóa Việt Nam tại Làng ASEAN ở Australia Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tham gia Lễ hội đa văn hóa quốc gia 2017 trong khuôn viên “Làng ASEAN”, nhằm tăng cường ... |
Nỗ lực chuẩn bị cho SOM ASEAN đầu tiên năm 2017 Cuộc họp CPR 2/2017 nằm trong khuôn khổ các hoạt động của đợt Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao (AMM Retreat) và Hội ... |