TIN LIÊN QUAN | |
Trao đổi thương mại Hàn Quốc-ASEAN tăng 20 lần trong 30 năm qua | |
Hàn Quốc - ASEAN: Mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn |
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc diễn ra ở Busan, Hàn Quốc từ ngày 25-26/11. (Nguồn: Yonhap) |
Một ngày sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hàn Quốc diễn ra ở Busan, Hàn Quốc đã chủ trì một cuộc họp với nhóm hẹp hơn, bao gồm các nước tiểu vùng sông Mekong - Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) tại Hội nghị thượng đỉnh Mekong - Hàn Quốc lần đầu tiên.
Các hội nghị thượng đỉnh đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, được tổ chức trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang đẩy mạnh Chính sách hướng Nam mới (NSP). Chính sách này nhằm mục tiêu nâng cấp mối quan hệ của Hàn Quốc với ASEAN lên mức như quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
Đặc biệt, sự tập trung vào tiểu vùng sông Mekong là một thành phần ngày càng quan trọng của NSP. Các nước Mekong có tiềm năng rất lớn bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ở mức hơn 6% và tổng dân số hơn 240 triệu người, trong đó một tỷ lệ lớn là lao động trẻ. Dòng sông Mekong dài 4.900 km chảy qua 5 quốc gia kể trên và là kế sinh nhai cho hàng triệu người, cung cấp thực phẩm, nước để tưới tiêu và là tuyến đường giao thông vận tải.
Hàn Quốc gia tăng ảnh hưởng
Hàn Quốc đã tham gia sâu hơn vào khu vực tiểu vùng sông Mekong vốn đã tồn tại nhiều cơ chế hợp tác với các nước ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ. Các cơ chế trong nội bộ khu vực Mekong cũng gắn kết một số hay tất cả các nước Mekong.
Dù cam kết tài chính của Hàn Quốc đối với tiểu vùng sông Mekong ít hơn so với Trung Quốc hay Nhật Bản nhưng quốc gia lại này có sức mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, trong đó, nổi bật là công nghệ thông minh cùng với sự phát triển kinh tế thần kỳ - hay còn được gọi là “Kỳ tích sông Hàn”.
Các nước Mekong đều chào đón sự có mặt của Hàn Quốc vì việc có nhiều “cổ đông” tích cực khác nhau sẽ đem lại lợi ích cho CLMTV và cho phép khu vực này sử dụng hiệu quả hơn các chiến lược phòng ngừa và cân bằng sức mạnh.
Hơn nữa, các nước Mekong cũng coi Hàn Quốc là đối tác trung lập. Điều này giúp CLMTV thêm sự tin tưởng đối với Seoul, góp phần mở đường cho việc tăng cường hợp tác trong tương lai.
Tuyên bố sông Mekong - sông Hàn được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh Mekong - Hàn Quốc đầu tiên cho thấy, các nước nhất trí tăng cường hiệp lực giữa cơ chế hợp tác Mekong - Hàn Quốc và các cơ chế khác liên quan đến sông Mekong. Tuy nhiên, sự hiệp lực và hợp tác giữa Hàn Quốc và các bên tham gia bên ngoài khác như Trung Quốc hay Nhật Bản hầu như chưa phát huy được hiệu quả.
Vì vậy, lựa chọn thiết thực của Hàn Quốc ở tiểu vùng sông Mekong là theo đuổi một cơ chế hợp tác Mekong - Hàn Quốc độc lập, song song với các sáng kiến khác của Trung Quốc, Nhật Bản (và thậm chí cả Mỹ).
Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in không muốn lựa chọn đứng về bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Hàn Quốc muốn tránh bị coi là ủng hộ Sáng kiến Hợp tác Lan Thương - Mekong do Trung Quốc dẫn dắt, hay Sáng kiến hạ lưu sông Mekong do Mỹ đứng đầu.
Ngoài ra, Seoul mong muốn các tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được lợi từ những cơ hội trị giá hàng tỷ USD ở tiểu vùng sông Mekong qua các sáng kiến của chính Hàn Quốc, thay vì các sáng kiến do nhiều quốc gia khác thúc đẩy.
7 lĩnh vực ưu tiên
Sự tham gia của Hàn Quốc vào khu vực tiểu vùng sông Mekong nhiều khả năng sẽ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng như phát triển đường bộ, cầu cảng và đường sắt. Hàn Quốc có thể tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực thế mạnh của mình như ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông để thúc đẩy phát triển nông thôn và theo dõi sản lượng nông nghiệp (thông qua canh tác thông minh) trên khắp khu vực tiểu vùng sông Mekong.
Ngoài ra, công nghệ thông tin và viễn thông cũng có thể được sử dụng để lần theo dấu vết việc phá rừng hay dự đoán dòng nước. Điều này có thể giúp Hàn Quốc và CLMTV tăng cường hợp tác trong việc quản lý nguồn tài nguyên nước quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh gần đây đã kết thúc với 7 lĩnh vực ưu tiên cho sự tham gia ngày càng sâu của Hàn Quốc trong tương lai, bao gồm văn hóa và du lịch; phát triển nguồn nhân lực; nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ sở hạ tầng; công nghệ thông tin và viễn thông; môi trường cùng các thách thức an ninh phi truyền thống.
Để tham gia sâu hơn, đòi hỏi khu vực tư nhân của Hàn Quốc phải đóng vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, rất khó để thuyết phục các công ty tư nhân đầu tư vào những dự án không đem lại lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ đối tác công - tư (PPP) có thể là lựa chọn tốt hơn vì lợi ích của cả hai bên.
Việc Hàn Quốc và CLMTV nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mekong - Hàn Quốc hàng năm bên lề các hội nghị thượng đỉnh liên quan đến ASEAN được đánh giá là có ý nghĩa tích cực, bởi điều này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đã công nhận vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn tăng cường hợp tác với khu vực này.
Khu vực tiểu vùng sông Mekong có thể trở nên thịnh vượng và hòa bình trong 30 năm tới, vào dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ASEAN - Hàn Quốc. Nếu tầm nhìn đó trở thành hiện thực, mối quan hệ đối tác giữa Hàn Quốc và CLMTV có thể đóng góp cho “Kỳ tích sông Mekong” và chất lượng sống tốt hơn cho hơn 240 triệu dân của 5 nước tiểu vùng Mekong.
| Hàn Quốc và 5 nước thành viên ASEAN ký Bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển TGVN. Ngày 25/11, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cho biết, nước này và 5 nước thành viên ASEAN gồm Việt Nam, ... |
| Việt Nam - Hàn Quốc: Triển vọng tươi sáng trên nền tảng “kỳ tích” TGVN. Trao đổi với TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú nhấn mạnh sự tin tưởng về “triển vọng tươi sáng ... |
| Hợp tác Mekong-Lan Thương: Cho một dòng sông phát triển bền vững Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ Tư sẽ diễn ra từ ngày 16-17/12/2018 tại Lào. Phó Thủ tướng, Bộ ... |