Tình hình căng thẳng leo thang tại Myanmar thời gian qua đã khiến cho các nhà quan sát lo ngại về một “Syria thứ hai”. Các số liệu công bố trên báo chí cho thấy, vào giữa tháng 4, khi chính quyền quân sự đẩy mạnh ngăn chặn biểu tình, số người dân thường thiệt mạng còn cao hơn những gì xảy ra ở Syria vào năm 2011.
Lực lượng của tổ chức Quân đội Dân tộc Karen (KNU) tại căn cứ ở vùng biên giới Myanmar-Thái Lan. (Nguồn: Flickr) |
Giống như những người biểu tình ở Syria, người dân ở Myanmar cũng đang thành lập các lực lượng dân quân riêng, dù trước đó, ở Myanmar đã tồn tại một số các nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang. Trong số đó, một vài nhóm, dưới danh nghĩa hỗ trợ những người biểu tình, đã tăng cường các cuộc tấn công vào quân đội Myanmar (còn được gọi là Tatmadaw) thời gian qua.
Về mặt địa chính trị, tình hình cũng giống như cuộc xung đột tại Syria, với việc Nga và Trung Quốc cản trở các nỗ lực của phương Tây nhằm lên án Tatmadaw tại các diễn đàn của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, tình hình giữa Myanmar năm 2021 và Syria năm 2011–2012 cũng có những khác biệt đáng kể.
Ba yếu tố chính tạo nên xung đột ở Syria bao gồm: cuộc nổi dậy quy mô lớn của các nhóm vũ trang; sự can thiệp sâu rộng của nước ngoài vào cả hai phe đối lập; và sự tham gia của các binh sĩ ngoại quốc. Tuy nhiên, hiện Myanmar không tồn tại bất kỳ yếu tố nào nêu trên, và cũng không rõ trong tương lai các yếu tố này có xuất hiện hay không, đặc biệt là yếu tố thứ 2 và thứ 3.
Vai trò của các nhóm vũ trang
Các nhóm sắc tộc có vũ trang (EAGs) tại Myanmar, với ước tính khoảng 75–78,000 quân sẽ đóng vai trò then chốt trong các phong trào chống đối của lực lượng quần chúng có vũ trang. Những cuộc đụng độ gần đây do Quân đội Độc lập Kachin (KIA) và Liên minh Quốc gia Karen (KNU) nhằm vào mục tiêu là Tatmadaw, là dấu hiệu cho thấy có sự phối hợp nhất định giữa phe đối lập và các nhóm vũ trang này.
Ngoài ra, ít nhất 10 nhóm vũ trang đã tuyên bố trung thành hoàn toàn với “Chính phủ thống nhất quốc gia” tự xưng, do các nghị sĩ của chính phủ dân sự trước chính biến thành lập. Cùng với đó, các lời đồn về việc thành lập một “quân đội dân tộc liên bang” đối đầu trực tiếp với Tatmadaw, đã càng làm nổi bật thêm những sự tương đồng giữa Myanmar với Syria.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý trong so sánh này, đó chính là sự phức tạp trong nền chính trị đa dạng sắc tộc của Myanmar. Nhiều nhóm dân tộc thiểu số vẫn cho rằng đảng NLD bị chi phối bởi người Bamar chiếm đa số. Tiến trình hòa bình của chính quyền dân sự trước khi xảy ra chính biến đã diễn ra một cách chậm chạp, và đảng NLD thậm chí còn ngăn cản các yêu cầu tăng cường quyền tự trị tại các vùng.
Bởi vậy, thay vì khôi phục lại một chính phủ dân sự do đảng NLD cầm quyền, thì mục tiêu chính của các nhóm vũ trang là chỉ là đòi hỏi quyền tự trị và bảo vệ các lợi ích đặc biệt của riêng họ.
Bên cạnh đó, không phải mối quan hệ nào giữa Tatmadaw và các nhóm vũ trang cũng là thù địch. Chính vì vậy, nhiều nhóm vẫn đang sử dụng chính sách "nước đôi".
Nhóm vũ trang dân tộc lớn nhất tại Myanmar, Quân đội bang Wa Thống nhất (UWSA), được hậu thuẫn bởi Trung Quốc, đã giữ im lặng tuyệt đối từ khi chính biến nổ ra, vì nhóm này từ lâu vẫn là nguồn cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang khác.
Các nhóm khác như Liên minh Ba Anh Em, được lập bởi nhóm Quân giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội Liên minh Dân chủ Myanmar (MNDAA) thì đang tận dụng việc người dân biểu tình để ép Tatmadaw nhượng bộ.
Các nhóm vũ trang tại Myanmar cũng không phải là một khối thống nhất, mỗi nhóm lại có những mục tiêu và lợi ích riêng. Thậm chí, các cuộc xung đột nhỏ lẽ giữa các nhóm vẫn xảy ra. Ngoài ra, một vài nhóm vũ trang nhỏ còn đứng về phe Tatmadaw.
Chính vì vậy, nếu kịch bản phối hợp giữa “chính phủ thống nhất quốc gia”, những người biểu tình và các nhóm vũ trang xảy ra, chúng đều có khả năng dẫn đến tình traạng gia tăng bạo lực và tạo thành một cuộc nội chiến diện rộng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, kịch bản này vẫn còn rất xa vời.
Hai xe tăng bị phá hủy trước một nhà thờ Hồi giáo ở Azaz, Syria, tháng 8/2012. (Nguồn: Flickr) |
Sự can thiệp từ quốc tế
Nhìn về Syria, một trong những nguyên nhân chính của cuộc nội chiến là sự hỗ trợ vũ khí, tài chính và quân sự trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh, Mỹ, Pháp, Nga và Iran cung cấp cho cả hai phe. Nhưng tại Myanmar, khó để biết được ai sẽ đảm nhiệm vai trò tương tự.
ASEAN, với nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ”, sẽ không có những can dự mạnh mẽ vào Myanmar. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và trước khi Myanmar là thành viên của ASEAN, Thái Lan ủng hộ rất mạnh mẽ các nhóm EAGs. Tuy nhiên, ngày nay không quốc gia nào lại dám làm như vậy.
Việc hỗ trợ quân sự cho bất kỳ nhóm đối lập với Tatmadaw nào sẽ làm tổn hại đến mục tiêu hàng đầu của ASEAN là duy trì ổn định khu vực, đồng thời sẽ đặt ra một tiền lệ xấu cho các thành viên ASEAN khác.
Mỹ cũng không có khả năng can dự sâu vào tình hình Myanmar sau những thất bại tại Afghanistan, Iraq, Libya và Syria. Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ có những bước đi thận trọng nhằm tiếp tục đối trọng về mặt địa chính trị với Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Chính vì vậy, việc tích cực trang bị và cung cấp tài chính cho phe đối lập sẽ hủy hoại mối quan hệ của Mỹ với ASEAN, trong thời điểm mà xét về khía cạnh nào đó, Mỹ đang mất lợi thế ở Đông Nam Á trước Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc thì sao? Thời gian qua, Trung Quốc đã cung cấp thêm vũ khí cho Tatmadaw. Điều này không có nghĩa rằng Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò giống như Nga hay Iran tại Syria.
Lý do vì Trung Quốc có mối quan hệ phức tạp với cả chính quyền dân sự cũ, cũng như là Tatmadaw. Bản thân Bắc Kinh cũng mong rằng cuộc chính biến này chưa từng xảy ra, bởi những lo ngại rằng xung đột giữa Tatmadaw và các nhóm vũ trang sẽ lan sang lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời gây ảnh hướng đến các nguồn đầu tư của nước này sang Myanmar, đặc biệt là các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Cuối cùng là vấn đề về dòng người ngoại quốc đổ vào Syria để chiến đấu. Nhóm này thường được thúc đẩy bởi các động cơ tôn giáo hoặc phe phái. Điều này không tồn tại trong trường hợp của Myanmar. Dù một số nhóm vũ trang tại đây có mối quan hệ thân thiết với các cộng đồng ở Đông Bắc Ấn Độ và Tây Nam Trung Quốc, nhưng không thể so sánh được với các lực lượng lính nước ngoài ở Syria.
Dù có điểm giống và khác nhau giữa tình hình ở hai nước, tuy nhiên Myanmar sẽ khó có thể nổ ra một cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng giống như tại Syria. Tuy nhiên, vẫn không thể đánh giá thấp khả năng tình hình leo thang căng thẳng tại đây.