Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Merkel. (Nguồn: National Interest) |
Theo ông chủ Nhà Trắng, Mỹ đang bảo vệ Đức và rằng 'họ đã có lỗi' khi ông cáo buộc Chính phủ Đức đã không thực hiện các khoản thanh toán của mình cho NATO.
Tổng thống Trump đã xác nhận dự định rút 9.500 quân khỏi Đức và đây sẽ là đợt giảm quân lớn nhất ở châu Âu trong gần một thập kỷ, nhưng cũng là đợt cắt giảm lớn đầu tiên kể từ khi Nga can thiệp quân sự ở Ukraine vào năm 2014. Năm 2014, các thành viên NATO đã đồng ý chi 2% GDP cho quân đội vào năm 2024, trong khi Đức dự kiến sẽ đạt được mục tiêu đó vào năm 2031.
Rào cản từ các nhà lập pháp Mỹ
Hiện tại, có khoảng 34.000 quân Mỹ ở Đức, một con số đã giảm đáng kể kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Việc kêu gọi rút quân đội khỏi Đức của Tổng thống Trump vốn chưa được các nhà lập pháp Mỹ chấp thuận hoặc thậm chí chưa thảo luận với các quan chức NATO hoặc Đức, đã phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ một số nhân vật nổi tiếng của đảng Cộng hòa, những người là đồng minh chủ yếu của Tổng thống Trump.
Trong một bức thư gửi ông Trump, các nhân vật nổi tiếng đảng Cộng hòa đã viết: “Chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng, các đồng minh NATO, như Đức, nên làm nhiều hơn để đóng góp cho các nỗ lực phòng thủ chung của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng, việc đóng quân ở tuyến trước của quân đội Mỹ kể từ khi kết thúc Thế chiến II đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác và quan trọng nhất là đã giúp Mỹ an toàn hơn."
Ở châu Âu, các mối đe dọa do Nga gây ra đã không giảm bớt và chúng tôi tin rằng, các dấu hiệu về sự suy yếu của Mỹ trong NATO sẽ khuyến khích sự xâm lược và chủ nghĩa cơ hội của Nga. Thêm nữa, giới hạn chung về quân đội sẽ giúp chúng ta không phải tiến hành các cuộc tập trận cần thiết để luyện quân và luôn sẵn sàng cho các lực lượng của chúng ta và các đồng minh.
Giới hạn quân số đuzozcj cho là cũng sẽ giảm đáng kể số lượng quân Mỹ có thể chuyển đến Đức để triển khai tới các căn cứ trên khắp thế giới, gây ra những thách thức nghiêm trọng. Tuy nhiên, bốn thành viên đảng Cộng hòa là Mo Brooks (Ala.), Scott DesJarlais (Iowa), Ralph Abraham và Matt Gaetz (Fla.) đã không ký bức thư.
Kế hoạch cắt giảm các lực lượng chưa được chốt
“Mỹ đã nói rõ rằng, chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về cách thức và thời gian”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc họp báo mới đây. Ông Stoltenberg đã nói rằng, sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu là tốt cho châu Âu và cũng tốt cho Bắc Mỹ và Mỹ.
Hiện có 29 thành viên NATO - chiếm 53% GDP toàn cầu. Một nửa trong tổng số đó là Mỹ và nửa còn lại là từ các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy. Các quốc gia NATO không phải Mỹ này có GDP kết hợp lớn hơn Trung Quốc và nếu bao gồm cả Mỹ thì nhiều hơn gấp đôi.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, với tình hình địa chính trị hiện nay trên thế giới, liệu NATO có còn cần thiết hay không?
Ngoài ra, Đức có thể có khả năng tốt để bảo vệ Đức, vì theo Ted Galen Carpenter (một cộng tác viên cao cấp tại Viện Cato - ND), thì hiện không có mối đe dọa nào. Nước Nga ngày nay là một cái bóng nhạt của Liên Xô về dân số, kinh tế và sức mạnh quân sự".
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AP) |
Sẽ là một quyết định đáng ngạc nhiên
Mặc dù Tổng thống Donald Trump muốn "nhổ gai trong mắt" khi mà Berlin khá tằn tiện trong chi phí dành cho quốc phòng, nhưng lại "hào phóng" nhập khí đốt và ủng hộ cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng đề xuất cắt giảm binh sỹ Mỹ đồn trú ở Đức vẫn là quyết định gây ngạc nhiên.
Quyết định này của ông Trump được giới quan sát đánh giá là sự đảo ngược những lần mở rộng hiện diện quân sự gần đây của Mỹ tại châu Âu nhằm bảo vệ sườn Tây NATO. Các nhà lập pháp Đức thân Thủ tướng Angela Merkel đã chỉ trích mạnh mẽ người đứng đầu nước Mỹ khi cho rằng ý định rút quân nói trên của Chính quyền Tổng thống Trump đã “lờ đi một nhiệm vụ lãnh đạo cơ bản”.
Trong khi đó, các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ vừa đề xuất lên Quốc hội Mỹ một dự luật nhằm ngăn chặn kế hoạch rút bớt số binh sĩ Mỹ tại Đức của ông Trump. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ Eliot Engel và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez - thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã trình dự luật trên do quan ngại về kế hoạch rút quân khỏi Đức của Tổng thống Trump.
Dự thảo luật này sẽ cấm sử dụng các quỹ để rút hoặc cắt giảm sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Mỹ tại châu Âu, trừ khi Tổng thống Mỹ phải thông báo kế hoạch rút quân đội trước 180 ngày, giải thích việc đưa ra quyết định này, Quốc hội phê chuẩn và các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng phải điều trần về việc này.
Nếu như việc Mỹ rút quân khỏi Đức trở thành hiện thực thì một hệ quả tất yếu sẽ xảy ra, đó là sự lo ngại, hoài nghi của các đồng minh đối với những chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước đó, việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan, dọa rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp ước Bầu trời Mở... đã và đang làm gia tăng mối lo ngại và làm giảm đáng kể uy tín của cường quốc số 1 thế giới này.