Từ năm 2019, Việt Nam đã cử một Bệnh viện dã chiến cấp 2 gồm 63 thành viên theo hình thức đơn vị và 11 sĩ quan theo hình thức cá nhân lên đường làm nhiệm vụ tại hai Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) ở Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) và Nam Sudan (UNMISS). Đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại hai quốc gia này vào tháng 3 và tháng 4 năm 2020.
Vật tư y tế từ trong nước đã kịp đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. (Ảnh: NVCC) |
Chủ động kế hoạch phòng chống dịch
Ngay khi dịch bệnh chưa lan tới Nam Sudan, Cục GGHB Việt Nam đã chỉ đạo lực lượng tại các Phái bộ xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 với 4 kịch bản: khi nước sở tại có người nhiễm Covid-19; khi Phái bộ có người nhiễm Covid-19; khi lực lượng của ta có người nhiễm Covid-19; khi lực lượng của ta có nhiều người nhiễm Covid-19.
Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong các kế hoạch đã được phê duyệt là đặt yếu tố an toàn của lực lượng Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại các Phái bộ lên hàng đầu. Điều này giúp lực lượng tại Phái bộ có đường hướng rõ ràng, yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Cục Quân y, Học viện Quân y thường xuyên kết nối, tổ chức họp trực tuyến với Bệnh viện dã chiến cấp 2 để cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, kinh nghiệm trong nước về công tác phòng chống dịch và tập huấn nâng cao trình độ, cũng như khả năng phản ứng nhanh, hiệu quả trước dịch bệnh cho Bệnh viện dã chiến cấp 2.
Tháng 3/2020, 12 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 1 sĩ quan cá nhân của Việt Nam đã về phép theo chế độ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, sau khi về tới Việt Nam, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, Nam Sudan đưa lệnh cấm nhập cảnh, các chuyến bay quốc tế cũng bị hạn chế tại các quốc gia khác.
Vì thế, số cán bộ đi phép đã không trả phép đúng thời hạn và bị mắc kẹt tại Việt Nam 4 tháng. Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam khi đó chỉ còn 51 người làm việc tại Phái bộ. Mọi người đã chia nhau gánh vác công việc của 63 người.
Theo kế hoạch ban đầu, tất cả nhân sự của bệnh viện đều được luân phiên về phép một lần trong nhiệm kỳ công tác của mình. Tuy nhiên, số cán bộ còn lại đã không thể về phép.
Hơn nữa, theo kế hoạch, bệnh viện sẽ kết thúc nhiệm kỳ một năm và thực hiện đổi quân vào tháng 11/2020, nhưng lịch đổi quân đã bị kéo dài bốn tháng, sang tháng 3/2021 và họ phải đón hai cái Tết xa nhà.
Vượt khó, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
Thấu hiểu sự vất vả, khó khăn của lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn Phái bộ, ngày 15/6/2020, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc tham gia hoạt động GGHB LHQ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam tại hai phái bộ UNMISS và MINUSCA, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng.
Tại đây, Hội nghị đã lắng nghe lực lượng tại địa bàn báo cáo về tình hình dịch bệnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ và trình bày tâm tư, nguyện vọng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn về tinh thần, vật chất và rủi ro mà các cán bộ, chiến sĩ tại các địa bàn phải trải qua, biểu dương tinh thần vững vàng cũng như kết quả bước đầu đạt được trong thực hiện nhiệm vụ.
Thượng tướng cũng tin tưởng, lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, cùng với các lực lượng khác trong quân đội cũng đang đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm trên mặt trận chống đại dịch, để hoàn thành nhiệm vụ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho lực lượng, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong trường hợp cần thiết, Việt Nam có thể rút lực lượng về nước.
Cũng dịp này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS và MINUSCA, vì đã đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Để hỗ trợ tăng cường năng lực phòng, chống đại dịch, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo chuyển khẩn cấp trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch, trị giá 2 tỷ đồng gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, thuốc men và dung dịch sát khuẩn cho các Tổ công tác, lực lượng của BVDC 2.2.
Nhận được thư khen của Bộ trưởng và sự quan tâm, động viên của Thủ trưởng các cấp, của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, các quân nhân đang làm nhiệm vụ tại các Phái bộ GGHB LHQ như được tiếp thêm năng lượng, quyết tâm cao nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trước quyết tâm quay lại Phái bộ của số cán bộ đang nghỉ phép để cùng chung tay với đồng đội thực hiện sứ mệnh cao cả, Cục GGHB Việt Nam đã nỗ lực, phối hợp với các cơ quan, tìm đường bay và đưa thành công các cán bộ trở lại Phái bộ.
Chuyến đi còn có ý nghĩa lớn khi họ mang theo các vật tư, thiết bị y tế, thuốc men thiết yếu hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cung ứng sớm nhất cho lực lượng của ta tại địa bàn.
Do dịch bệnh, các chuyến bay thương mại bị hạn chế, các Phái bộ không thể tìm được đường bay để đưa các sĩ quan Việt Nam đã kết thúc nhiệm kỳ về nước theo quy định. Vì vậy, các sĩ quan này đều có nhiệm kỳ bị kéo dài, trong đó có người nhận 9 lần gia hạn nhiệm kỳ với tổng thời gian kéo dài 10 tháng. Khi đó, cán bộ của ta phải đối diện với các khó khăn như lương thực cạn kiệt, xa gia đình lâu ngày, nhiều kế hoạch tại Việt Nam bị ảnh hưởng.
Chiếc khẩu trang Bộ Quốc phòng chuyển sang luôn đồng hành cùng lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam tại các Phái bộ. (Ảnh: NVCC) |
Trước tình hình đó, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng đã quyết tâm tìm cách đưa số cán bộ đã kết thúc nhiệm kỳ về nước, kịp đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán.
Trong những ngày bận rộn cuối năm 2020, các công văn hỏa tốc liên tục được gửi tới các Bộ, Ban, ngành, tỉnh thành và các đơn vị liên quan nhằm đưa các sĩ quan này hồi hương.
Đêm 31/12/2020, ba sĩ quan cuối cùng (trong số các sĩ quan đã kết thúc nhiệm kỳ) từ Cộng hòa Nam Sudan đã đáp máy bay an toàn xuống sân bay Quốc tế Nội Bài vào đúng thời khắc Hà Nội bắn pháo hoa chào đón năm mới 2021.
Tại sân bay, lực lượng bộ đội của Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chờ sẵn, làm thủ tục và đưa các sĩ quan này về khu cách ly.
Nói chuyện với chồng là Trung tá Lê Ngọc Sơn, chị Phương Mai xúc động: “Em rất nghẹn ngào khi Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 phát hành một công văn riêng chỉ để đưa các anh về nước. Đúng là, trong lúc khó khăn càng thấy rằng Tổ quốc không bỏ rơi ai, anh nhỉ? Nhờ thế mà gia đình mình và đồng đội của anh được đoàn viên”.