📞

Lo khủng hoảng nguồn cung, Mỹ 'nhanh tay' can thiệp thị trường dầu mỏ

Việt An 14:32 | 19/10/2022
Một quan chức cấp cao mới đây cho hay, ngày 19/10 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố kế hoạch bán đi đợt dầu cuối cùng trong kế hoạch xuất dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) vào cuối năm, đồng thời nêu chi tiết chiến lược bổ sung vào kho dự trữ khi giá giảm và kêu gọi các nhà sản xuất tăng sản lượng.
Mỹ sắp đưa ra kế hoạch hỗ trợ ngành dầu mỏ. Một cơ sở lọc dầu của Mỹ ở Carson, bang California. (Nguồn: AFP)

Kế hoạch nhằm bổ sung đủ nguồn cung để ngăn chặn giá dầu tăng đột biến có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo rằng, chính phủ sẽ tham gia thị trường với tư cách là người mua nếu giá giảm xuống quá thấp.

Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Biden đã quyết định bán 180 triệu thùng dầu từ Kho SPR để chống lại một cuộc khủng hoảng nguồn cung tiềm tàng do các lệnh trừng phạt đối với nước Nga - một nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu - sau khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong khi kế hoạch ban đầu là kết thúc hoạt động bán ra vào tháng 11, sức mua đã chậm hơn so với dự kiến trong mùa Hè. Hiện khoảng 15 triệu thùng từ SPR vẫn chưa bán được.

Vị quan chức cấp cao cho biết, số dầu trên sẽ được đưa ra đấu thầu để giao vào tháng 12/2022. Chính phủ cũng có thể bổ sung lượng dầu bán ra nếu cần.

Tổng thống Biden cũng sẽ đưa ra kế hoạch bổ sung lượng dự trữ khẩn cấp trong những năm tới, nhưng chỉ khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) - loại dầu tiêu chuẩn của nước này - ở mức giá bằng hoặc thấp hơn khoảng 67-72 USD/thùng.

Theo vị quan chức, Tổng thống Biden hy vọng đã gửi một tín hiệu đến cả người tiêu dùng và nhà sản xuất tại Mỹ.

Ông đang kêu gọi khu vực tư nhân Mỹ làm hai điều. Một là nắm bắt tín hiệu này, tăng sản lượng và đầu tư. Hai là đảm bảo rằng, khi thu được lợi nhuận, các công ty sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn cung ở mức giá thích hợp cho người tiêu dùng.

Những nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc sử dụng quyền lực liên bang để cân bằng thị trường dầu mỏ Mỹ đã cho thấy mức độ ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine và lạm phát phi mã.

Yếu tố trên đã khiến một vị tổng thống cam kết siết chặt quản lý ngành công nghiệp dầu mỏ và đưa đất nước nhanh chóng đến một tương lai không sử dụng nhiên liệu hóa thạch khi mới nhậm chức phải thay đổi chính sách.

Điều này cũng thể hiện mong muốn của chính quyền Tổng thống Biden về duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

(theo Reuters)