📞

Lô macca Đắk Lắk chính ngạch đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc

17:07 | 03/01/2024
Ngày 3/1, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nutrisol đã tổ chức lễ xuất khẩu container macca Đắk Lắk chính ngạch đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc. Đây cũng là lô hàng nông sản xuất khẩu đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2024.
Việc hạt macca được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc (sau thị trường Nhật Bản) một lần nữa mở ra cơ hội cho loại hạt đặc sản này của Đắk Lắk sang các nước châu Á và thế giới. (Nguồn: VOV)

Lô hạt macca xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc có khối lượng hơn 10 tấn được trồng tại tỉnh Đắk Lắk. Sản phẩm đã trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói và truy xuất nguồn gốc. Dự kiến số sản phẩm này sẽ được bán tại các chuỗi siêu thị lớn tại Hàn Quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc hạt macca được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc (sau thị trường Nhật Bản) một lần nữa mở ra cơ hội cho loại hạt đặc sản này của Đắk Lắk sang các nước châu Á và thế giới.

"Thị trường Hàn Quốc là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng nông sản. Đơn vị nhập hàng là một doanh nghiệp tại tỉnh Jelabook – Hàn Quốc. Jelabook và Đắk Lắk đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội từ năm 2017. Đây là sự thể hiện tinh thần hợp tác phát triển kinh tế của hai địa phương. Chúng tôi rất phấn khởi ngay từ đầu năm mà đã có những lô hàng đi vào tỉnh kết nối, một tỉnh hợp tác, một thị trường khó tính. Tôi nghĩ rằng trong tương lai dứt khoát sản phẩm của Đắk Lắk sẽ vươn xa vào các thị trường khác. Tin tưởng rằng kim ngạch xuất khẩu năm nay của Đắk Lắk sẽ vượt xa con số 1,6 tỷ USD”, ông Dương chia sẻ.

Hiện nay, Đắk Lắk có hơn 4.500 ha macca với sản lượng trên 1.500 tấn mỗi năm. Theo Đề án phát triển bền vững macca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch phát triển bền vững cây macca theo hướng nghiên cứu chọn tạo đa dạng bộ giống có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi với các tiểu vùng sinh thái.

Nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình kỹ thuật macca phù hợp điều kiện địa phương; ưu tiên xây dựng quy trình sản xuất macca theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...), nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm macca chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

(theo VOV)