Dưa hấu ế, nông dân ngậm ngùi để cho trâu ăn dần. |
Nhiều năm qua, điệp khúc "được mùa mất giá" liên tục lặp đi lặp lại. Đến khi nông dân gạt nước mắt vứt bỏ nông sản của mình ngay trên đồng ruộng hay thương lái đổ bỏ cả xe dưa hấu chảy nước nơi biên giới... thì tất cả các cơ quan hữu quan cũng như không liên quan đã sắn tay vào cuộc. Người ta thấy xuất hiện những cụm từ như "hiệp sĩ dưa hấu", "hiệp sĩ hành tím"... trở nên quen thuộc khi các tổ chức, cá nhân xắn tay giúp nông dân tiêu thụ nông phẩm. Người ta thấy cả cán bộ, nhân viên công thương đi giúp người dân bán dưa. Nhưng... Đó chỉ là giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Sức tiêu thụ trong nước không thể vực dậy cả một ngành nông nghiệp mà lâu nay đã tồn tại khúc mắc lớn trong kết nối cung - cầu. Việc tìm được thị trường ngoại cần đến nông phẩm Việt, cũng như làm sao để bà con sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế mới là giải pháp bền vững cho nền kinh tế nông nghiệp Việt vốn có rất nhiều thế mạnh so với các nước khác.
Nhờ tin vui liên quan đến vải thiều Việt, thật đáng mừng vì từ nay có lẽ sẽ không còn cảnh "khi con tu hú gọi bầy", người trồng vải thiều lại lũ lượt chở vải ra thành phố để bán tống, bán tháo với giá rẻ mạt hay từng đoàn xe chở vải thiều lên chất đống nơi cửa khẩu. Nhưng, đi kèm với tin mừng vẫn là nỗi lo. Việc hai thị trường khó tính như Mỹ và Australia mở cửa với vải thiều Việt mới chỉ là thành công bước đầu, việc giữ và tiếp tục mở rộng mảng thị trường hứa hẹn sẽ là một hành trình dài lắm gian nan. Các quốc gia phát triển - thị trường xuất khẩu nông sản tiềm năng - luôn có những tiêu chí vô cùng khắt khe, ngặt nghèo về chất lượng thực phẩm nhập khẩu. Không chỉ phải đáp ứng các biện pháp canh tác và quản lý sinh vật gây hại nghiêm ngặt, cũng như tiêu chí bảo quản sau thu hoạch mà ngay vùng trồng của nông sản cũng rất được những thị trường này quan tâm.
Thực tế cho thấy, nhiều nông phẩm Việt Nam đã "giữa đường đứt gánh" khi không thể đáp ứng được những yêu cầu này. Những nông dân rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp để đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng các thị trường khó tính.
Thiên Lam (Hưng Yên)