Một phân đội của Trung đoàn Kỵ binh 2 Mỹ ở châu Âu. (Nguồn: New York Times) |
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã duy trì một lực lượng đồ sộ ở châu Âu để chống lại Liên Xô và sau này là Nga. Các lực lượng này giảm nhanh chóng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đến sau cuộc tranh luận trần nợ năm 2011 dẫn đến Đạo luật Kiểm soát Ngân sách, số quân Mỹ đồn trú ở châu Âu giảm từ 40.000 xuống còn 25.000 binh sĩ.
Khả năng hạn chế của NATO
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Moscow và gấp rút khôi phục sức mạnh chiến đấu ở châu Âu. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã chi hàng tỷ USD để triển khai tạm thời quân và thiết bị quân sự tới đây dưới sự bảo trợ của Sáng kiến Tái bảo đảm châu Âu. Trung đoàn Kỵ binh 2 của Quân đội Mỹ với 300 xe chiến đấu hạng trung Stryker là lực lượng mạnh nhất của Mỹ duy trì hiện diện thường xuyên ở châu Âu.
Lữ đoàn dù số 173 của Mỹ cũng đóng ở tại châu Âu. Để hỗ trợ lữ đoàn này, tại mỗi thời điểm, Mỹ triển khai tạm thời tới châu Âu một lữ đoàn bọc thép (có khoảng 90 xe tăng M-1 và 130 xe chiến đấu M-2 cộng với khoảng 18 pháo phản lực tự hành M-109), thời hạn 9 tháng. Hiện Mỹ đang chuẩn bị chuyển khoảng 3.500 binh sĩ và hơn 2.000 đơn vị thiết bị từ Đức sang Ba Lan. Lực lượng này sẽ thay thế các đơn vị quân đội với số lượng tương đương quay trở lại Mỹ sau chín tháng đồn trú ở châu Âu.
Nhiều nguồn tin cho biết, Nga đang triển khai khoảng 760 xe tăng tại các đơn vị gần các nước thành viên của NATO ở Baltic - nơi NATO duy trì một lực lượng chỉ khoảng 130 xe tăng trong đó có 90 xe tăng M-1 của Mỹ, được triển khai theo chế độ luân phiên tạm thời. Tương tự, Nga triển khai khoảng 1.280 xe chiến đấu bộ binh gần biên giới với NATO, trong khi NATO chỉ có 280 xe chiến đấu trong cùng khu vực.
Các cuộc tập trận vừa qua cho thấy, quân và xe tăng của NATO đã triển khai quá chậm, lực lượng Nga đã nhanh chóng áp đảo hoàn toàn lực lượng NATO. Không thiếu xe tăng và các thiết bị hạng nặng khác, nhưng rất ít xe tăng NATO có thể được điều động nhanh để bảo vệ sườn phía Đông của liên minh - trong “kịch bản Baltic” khi có chiến sự. Vì vậy, khối quân sự này đặt ra nhiệm vụ ưu tiên tăng tốc chuyển quân và chiến cụ khắp lục địa châu Âu.
Hai bộ chỉ huy mới
Cuối năm 2017, NATO đã phê duyệt việc thành lập hai Bộ Chỉ huy mới là Bộ Chỉ huy Liên hợp hỗ trợ và kích hoạt chung và Bộ Chỉ huy Liên quân cho Đại Tây Dương nhằm đảm bảo công tác hỗ trợ và hậu cần. Điều này giúp lực lượng quân sự có thể nhanh chóng vượt qua biên giới quốc gia khi có khủng hoảng trong bối cảnh cạnh tranh sức mạnh của Nga đang trỗi dậy.
Lính Lữ đoàn dù số 173 của Mỹ đang huấn luyện tại Italy. (Nguồn: Dvidshub) |
Bộ chỉ huy Đại Tây Dương - đóng tại Norfolk (Virginia - Mỹ) do Phó đô đốc Andrew L. Lewis - Tư lệnh Hạm đội 2 của Mỹ chỉ huy, đã chính thức được Hội đồng Bắc Đại Tây Dương của NATO kích hoạt ngày 26/7/2019. Được thành lập do mối đe dọa ngày càng tăng của Nga, khiến các tuyến đường biển Đại Tây Dương trở thành quan trọng, lực lượng này có nhiệm vụ duy trì các tuyến vận tải hàng hải giữa Bắc Mỹ và châu Âu luôn ở trạng thái sẵn sàng.
Bộ Chỉ huy mới thứ hai của NATO đóng tại Ulm (Đức) mang tên Bộ chỉ huy Liên hợp Hỗ trợ và kích hoạt (Joint Support and Enabling Command - JSEC), bắt đầu hoạt động từ ngày 17/9/2019. Đơn vị này được thành lập với sứ mệnh đẩy nhanh tốc độ triển khai lực lượng xe tăng của liên minh bằng cách điều động khẩn cấp các phương tiện bọc thép của Mỹ cũng như xe tăng của Anh, Italy, Đức, Ba Lan... Trong trường hợp đối phó với Nga, JSEC giúp các lực lượng NATO trở nên cơ động hơn và cho phép liên minh này có đủ lực lượng phù hợp ở đúng nơi, đúng thời điểm. JSEC hiện do tướng không quân Tod Wolters (Tổng Tư lệnh lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu) chỉ huy.
Những động thái mới nhất này của NATO diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa liên minh này với Nga đang tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. NATO đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.