📞

Lo quá, Nậm Nơn!

09:28 | 07/09/2009
Theo dự kiến, tháng 10 này công trình nhà máy thủy điện Bản Vẽ sẽ tích nước hồ chứa. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục bản làng thuộc các xã dọc sông Nậm Nơn như Kim Đa, Hữu Khuông, Luân Mai… thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An sẽ chìm trong biển nước. Đời sống người dân các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu gắn bó bao đời với vùng rừng núi này sẽ sang trang. Tuy nhiên, trong lúc những hộ dân cuối cùng trong vùng lòng hồ đang gấp rút di chuyển đến nơi ở mới, thì cùng với nhiều thứ phát sinh, hàng trăm học sinh nơi đây lại có nguy cơ không được đến trường trong năm học mới…
Một bản bên sông Nậm Nơn - không bao lâu nữa sẽ là vùng lòng hồ

Nghẹt thở vượt sôngSau gần 30 phút đi ô tô từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) vượt đèo, rồi men theo các con dốc ven triền núi thẳng đứng, chúng tôi tới bến Thượng Lưu, giáp ranh xã Yên Na và Kim Đa. Nhìn dòng nước chảy xiết phía dưới, những chiếc thuyền độc mộc trông nhỏ như lá tre, trên đó không có bất cứ chiếc áo phao nào, tôi cảm thấy rùng mình. Nhưng rồi, nhờ sự động viên của người đi cùng là trung tá Lương Thanh Liên - công an huyện phụ trách địa bàn xã, tôi mới tạm vững tâm. Giá mỗi lượt đi bằng chiếc thuyền này từ bến Thượng Lưu đến bến của xã Mai Sơn - xã xa nhất nằm trên thượng nguồn Nậm Nơn, tiếp giáp với nước bạn Lào, là 120.000 đồng/người, lượt về thì bằng phân nửa. Nhưng tất cả đều phải đợi, có đủ người chủ thuyền mới xuất bến. Còn nếu đi ngay, thì phải thuê cả thuyền, đi về trọn gói là 1,7 triệu đồng. Chúng tôi quyết định thuê chiếc thuyền máy 20 sức ngựa, do chàng trai người Thái Lương Minh Hùng cầm lái. Chỉ tính từ bản Com (xã Kim Đa) - nơi chúng tôi dừng chân nghỉ ăn trưa, xuất phát lúc 2 giờ 20 phút chiều nhưng tới được bến Khe Bén (xã Mai Sơn) thì đã 7 giờ tối. Ai nấy đều rũ rượi, nhưng cảm thấy nhẹ cả người.Bản Piêng Mựn là một trong những bản thuộc xã Mai Sơn, nằm trên khu vực đầu nguồn Nậm Nơn, tiếp giáp với nước bạn Lào. Chiều tối tiếng chim bìm bìm kêu dưới bến sông, vượn hú đâu đó trong núi khiến bản càng thêm thâm u, huyền bí. Đêm xuống, bếp lửa được nổi lên. Vò rượu cần được bày ra giữa sàn nhà. Sau khi già làng cúng xin mời các bậc tiên tổ về mời rượu, mọi người bắt đầu quây quần lại. Trưởng bản Kha Xốp Phon cùng người già người trẻ vừa uống rượu vừa kể chuyện bản mình. Bản có 38 hộ với 178 khẩu, 80% thuộc diện hộ nghèo. Người dân trong bản chủ yếu sinh sống bằng nghề nương rẫy, chăn nuôi. Có nhà vẫn mua được xe máy. Xe máy mua từ thị trấn Hòa Bình, sau đó chở bằng thuyền về bản. Nhưng mua xe máy cũng chỉ đi được loanh quanh trong bản, vào đến trung tâm xã và đi… uống rượu cho nhanh. Bản có 15 hộ thuộc diện di dân vì nằm trong cao trình mực nước lên của lòng hồ thủy điện, nhưng có 4 đối tượng nghiện nặng, 8 đối tượng “nghiện chừng chừng”. Cả xã thì có tới 48 đối tượng nghiện. Năm 2008, các cấp huyện, xã và bản đã phá được 3 ha cây thuốc phiện trồng lén lút tại khu vực rừng giáp ranh giữa bản Piêng Cọc và xã Phà Đánh (huyện Sầm Tớ, Hủa Phăn, Lào). Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009 các chiến sĩ biên phòng đã phá 6 vụ buôn bán ma túy. Thiếu tá Nguyễn Tất Hùng - quyền Trạm trưởng Trạm biên phòng Khe Bén (Đồn Biên phòng 523) cho biết, vì đây là địa hình vùng núi hiểm trở, lại có đường sông nên để trấn áp loại tội phạm này các anh gặp không ít khó khăn.Vượt rừng kiếm chữÔng Lô Đại Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Mai Sơn, cho biết, xã này thuộc diện đặc biệt khó khăn. Xã có 459 hộ với 2.151 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm 60%, 20% dân tộc Mông và 20% dân tộc Khơ Mú. Chính vì cuộc sống khó khăn, địa hình phức tạp nên việc học hành của con em các dân tộc nơi đây vô cùng gian nan. Trước khi bước vào năm học mới, các em học sinh cấp 2 người Mông, người Khơ Mú ở các bản Phà Kháo, Piêng Cọc, Chà Lò đã phải xuống bản Huồi Xá - nơi đặt trung tâm xã để tìm nơi ở, dựng lều trọ học. Từ bản gần nhất xuống đến trường cũng đã mất ít nhất 4 - 5 tiếng đồng hồ. Năm nay, giáo viên có dãy nhà mới nên các em có thêm chỗ ở từ dãy nhà cũ trước đây, một số em mượn lại nhà hoang của dân rồi che chắn lại làm nơi ở.

Thương các em, người dân bản Huồi Xá, các thầy các cô luôn hết sức tạo điều kiện, chăm lo cho các em bằng hết khả năng của mình. Trong mỗi căn phòng chật hẹp, cả chục em cùng quây tụ lại, học và ngủ đều trên giường được kê bằng ván.

Trong một căn phòng, 2 em Và Bá Căng và Và Bá Chơ (đều ở bản Piêng Cọc) đang học bài. Tôi hỏi sao chưa vào năm học mới mà xuống sớm thế? Và Bá Căng bẽn lẽn: “Xuống sớm để học thêm, chứ về đi rừng quên mất nhiều rồi”. Cũng lúc ấy, Và Chồng Thò từ nhà ở bản Phà Kháo xuống. Thò gùi một gùi nặng, trong đó là gạo, một quả bầu và rau rừng em hái dọc đường. Không riêng Thò, mỗi em xuống học đều gùi theo lương thực đủ ăn ít nhất một tuần cho đến thứ bảy về lại bản. Trong gian bếp tuềnh toàng dựng bằng nứa và lá một tốp 5 - 6 em đang nấu cơm chung. Hỏi các em cơm ăn có no bụng không, em nào cũng chỉ cười rõ tươi nhưng không trả lời. Thầy giáo Ngân Quý Mạnh tâm sự: “Mỗi khi nhìn các em ăn uống kham khổ, đi lại vất vả thương lắm. Cũng vì khó khăn vất vả nên mỗi năm lại có vài em nghỉ học ở nhà”. Nhưng các em không chỉ nghỉ học vì khó khăn, mà còn vì những hủ tục còn lại đây đó. Gần đây nhất có em Dà Y Cứ (bản Phà Kháo), đang học dở học kỳ 2 của lớp 9 thì bị gọi về nhà lấy chồng.Hiện cả xã Mai Sơn có 115 cháu học mầm non, 303 em học tiểu học, 227 em học THCS nội trú, 10 em học cấp 3. Hiện có một người là Lô Văn Hồng (bản Huồi Xá) đang học Đại học Vinh. Ngoài ra có 3 em đang học cao đẳng ở thành phố Vinh là Kha Văn Hương, Lô Thị Tan và Ngân Thị Hồng. Một người (Lô Văn Dương ở bản Piêng Mựn) cũng học ở Đại học Vinh nhưng do bị bệnh nên xin nghỉ…Cùng với xã Mai Sơn, bước vào năm học mới này, các em học sinh của xã Hữu Khuông cũng sẽ thêm khó khăn vất vả. Theo dự kiến, đến tháng 10-2009 công trình thủy điện Bản Vẽ sẽ tích nước hồ chứa. Địa điểm hiện tại của trường học cùng trạm y tế, trung tâm hành chính xã Hữu Khuông… sẽ chìm trong nước.Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trường học mới vẫn chưa được xây dựng. Từ tháng 3-2009, UBND xã Hữu Khuông, UBND huyện Tương Dương đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng các cấp cho xây dựng mới trung tâm hành chính, trường học, trạm xá… để ổn định cuộc sống và sinh hoạt cho nhân dân và chính quyền địa phương, nhưng do chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nên mọi thứ chưa thể tiến hành. Thầy Nguyễn Quốc Khánh, Phó phòng Giáo dục huyện Tương Dương, cho biết, tại Hữu Khuông cấp mầm non có 7 lớp với 132 em, tiểu học 22 lớp với 238 em, THCS nội trú có 9 lớp với 297 em. Tại xã có 9 giáo viên mầm non, 35 giáo viên tiểu học và 21 giáo viên THCS. Theo thầy Khánh, số học sinh bị ảnh hưởng lớn nhất là 297 em thuộc khối THCS, vì trường nằm ở điểm ngập nước, còn các cấp dưới học tại các bản không thuộc diện di dời nên không bị ảnh hưởng. Trước mắt, bước vào năm học mới các em học sinh khối THCS sẽ vẫn học tại trường hiện tại cho đến khi buộc phải di chuyển. Việc xây dựng trường mới chắc chắn không kịp nên sẽ phải dựng lán tạm để các em học, dự kiến địa điểm tại khu vực ngã ba Khe Ngẩu (tiếp giáp đường vào bản Pủng và bản Con Phen). Trong khi đó, các thầy cô giáo, nhất là những người dưới xuôi lên đây cắm bản, ngoài việc thiếu thốn về vật chất, còn thiếu thốn về cả tinh thần vì xa nhà, xa trung tâm… Chỉ riêng việc đi lại của các thầy cô nơi đây đã vô cùng khổ nhọc. Như thầy Trần Trung Nghĩa, mỗi khi từ quê ở huyện Nghi Lộc lên trường thường là mất 3 ngày. Một ngày từ quê lên thị trấn Hòa Bình, một ngày lo các giấy tờ thủ tục, mua các thứ nhu yếu phẩm, sau đó ngược dòng Nậm Nơn lên trường mất thêm một ngày nữa. Ngay như người ở gần nhất là thầy Ngân Quý Mạnh, từ quê ở xã Tam Thái (huyện Tương Dương) đón xe lên thị trấn Hòa Bình hết 30.000 đồng, từ thị trấn đến bến Thượng Lưu cũng bằng ấy, từ bến lên bến Khe Bén mất thêm 120.000 đồng tiền thuyền, sau đó cuốc bộ gần 2 tiếng đồng hồ về trường. Không biết rồi năm học này các em sẽ ra sao? Theo SGGP

Để phục vụ công trình thủy điện Bản Vẽ (công suất thiết kế 320MW, tổng mức đầu tư 5.740 tỷ đồng, ngoài mục tiêu phát điện nhà máy còn có chức năng cung cấp nước sinh hoạt, đẩy mặn, chống lũ… cho địa phương), huyện Tương Dương có 5 xã phải di dời, trong đó 4 xã về khu tái định cư mới ở huyện Thanh Chương, riêng xã Hữu Khuông được tái lập sau khi sáp nhập một số bản còn lại của các xã thuộc diện di dời. Cho đến thời điểm này, công việc di dân đã tiến hành được 2.112/2.979 hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ. Ông Lô Thanh Hài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: “Thời gian tích nước cho lòng hồ không còn nhiều, tuy nhiên hiện tốc độ di dân vẫn chậm. Việc di dân gặp phải nhiều cản trở vì đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu bằng đường sông và đèo dốc, việc chuẩn bị nơi đến cho bà con còn chưa kịp thời… Tuy vậy, với sự nhiệt tình của bà con, cộng thêm nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan, hy vọng rằng việc di dời dân sẽ diễn ra đúng như kế hoạch”.