📞

Loại chuối siêu đắt đỏ, hơn 200.000 đồng/quả, vỏ xào được như rau

Hà Nguyên 16:12 | 07/05/2021
Chuối 946 đến từ Hokkaido có mức giá siêu đắt đỏ, phần vỏ mỏng và bổ dưỡng, có thể làm sinh tố hoặc xào riêng phần vỏ.
Chuối 946 được trồng ở Nhật Bản, có giá siêu đắt đỏ, khoảng 230.000 đồng một quả. (Nguồn: Sora News 24)

Không khó để tìm mua chuối ở Nhật Bản. Loại trái cây này có thể được tìm thấy ở bất kỳ siêu thị, cửa hàng tiện lợi nào.

Tuy nhiên, chuối vẫn là loại quả hiếm ở xứ sở mặt trời mọc, bởi lẽ 99,98% lượng chuối ở quốc gia này là nhập khẩu. Chỉ có 0,02% số chuối trên thị trường là được trồng tại địa phương.

Một điều khá bất ngờ là số chuối ít ỏi này lại đến từ Hokkaido - khu vực lạnh nhất ở Nhật - dù chuối là một loại trái cây của miền nhiệt đới. Điều này khiến ngay cả người Nhật cũng cảm thấy bất ngờ và tò mò vì mùi vị của loại "chuối lạnh" này.

Thông thường, chuối được trồng nhiều ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới ẩm, nắng nhiều. Trong khi đó, Hokkaido là tỉnh cực Bắc của xứ sở Phù Tang, là nơi trải qua mùa Đông khắc nghiệt, tuyết phủ dày, có nhiệt độ và độ ẩm trung bình cả năm thấp nhất ở Nhật.

Đây đều là những điều kiện gây khó khăn cho việc trồng và chăm sóc chuối. Nhưng, thị trấn Kushiro tại Hokkaido vẫn có thể trồng được loại cây này.

Loại chuối đến từ vùng đất lạnh này có tên là 946, theo tiếng Nhật có cách đọc gần giống "kushiro", tên gọi của thị trấn.

Giá của một quả chuối là 1.080 Yen, tương đương 230.000 đồng, gấp 20 lần giá một quả chuối nhập khẩu trong các cửa hàng tạp hoá ở Nhật.

Hộp chuối 3 quả giá một triệu đồng. (Nguồn: (Nguồn: Sora News 24)

Thậm chí, một hộp chuối có ba quả còn có giá đắt hơn giá mua ba quả lẻ do còn có chi phí đóng gói như quà tặng. Giá một hộp là 4.860 Yen (khoảng hơn một triệu đồng). Mức giá khiến nhiều người phải sửng sốt.

Kích thước của chuối 946 khá lớn, chiều dài tương đương nhưng "mập" hơn hẳn so với chuối nhập khẩu từ các quốc gia khác. Giống như hầu hết các loại trái cây ở Nhật, chuối 946 được trồng với quy trình sạch, không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học.

Chúng có vị ngọt nhưng không quá nồng, có độ ẩm và mùi hương vừa phải. Điều này được lý giải là do chênh lệch nhiệt độ lớn ở Kushiro giữa các mùa đã ảnh hưởng đến hương vị.

Điểm đặc biệt nhất là loại chuối có vỏ mỏng hơn hẳn chuối thường và được mô tả là "mỏng đến mức có thể ăn được".

Phần vỏ có vị đắng nhưng khá bổ dưỡng. Các nhà phân phối loại chuối này khuyên rằng nếu làm sinh tố chuối, bạn nên để nguyên cả vỏ để bảo toàn các chất dinh dưỡng. Vị ngọt của chuối sẽ trung hoà bớt vị đắng ở vỏ.

Thậm chí, bạn cũng có thể bóc vỏ và xào như món rau truyền thống Nhật Bản kinpira gobo.

(theo Ngôi Sao/Sora News 24)