📞

Loài người đã tiến hóa nhờ... biết nhai

09:43 | 11/03/2016
Một nghiên cứu vừa công bố đã chỉ ra mối liên hệ giữa cách nhai thức ăn của người vượn tiền sử với sự tiến hóa của loài người.
Sọ người tiền sử từ 1,7 triệu năm trước, với bộ hàm đã tiến hóa. (Nguồn: Reuters)

Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature (Mỹ), nhóm các nhà khoa học cho biết, việc người vượn tiền sử thích nghi với việc ăn thịt kết hợp với việc sử dụng các công cụ đơn giản bằng đá để cắt, đập, làm cho thực phẩm dễ nhai... đã giúp tổ tiên của loài người sau đó nhai thức ăn dễ dàng.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm đo lường những nỗ lực nhai các loại thức ăn mà có thể tổ tiên loài người đã ăn, chủ yếu là nhai sống. Cho đến khoảng 500.000 năm trước đây, loài người mới biết nấu ăn.

Những người tình nguyện đã nhai sống thịt dê, củ cải, cà rốt và khoai như cách ăn của người tiền sử. Điện cực được đặt trên mặt của họ để đo hoạt động nhai.

Nhà nhân chủng học Katherine Zink của trường Đại học Harvard, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, khi thực phẩm được đập nát bằng các loại công cụ bằng đá, ví dụ thịt được cắt thành từng miếng nhỏ và rau được giã nát, thì những nỗ lực nhai đã giảm hẳn.

Với số lần nhai giảm đi 17% và lực nhai giảm 20% là các tình nguyện viên đã có thể nuốt miếng thịt được cắt nhỏ, do đó dễ tiêu hóa hơn.

Nhà nghiên cứu về tiến hóa nhân chủng học Daniel Lieberman (Đại học Harvard) cho biết: "Do không cần tốn nhiều thời gian trong ngày để nhai thức ăn như loài tinh tinh, người vượn đã có những bước tiến hóa đáng kể. Họ có hàm răng nhỏ, các cơ hàm và cơ nhai nhỏ, mũi ngắn chứ không nhô ra như ở các loài vượn tổ tiên trước đó".

"Mũi ngắn lại có thể đã làm cho họ phát triển khả năng phát âm, có một cái đầu cân đối hơn, đặc biệt hữu ích khi họ chạy" – ông Lieberman nhận định.

Những thay đổi này có thể đã kích hoạt sự phát triển của bộ não, làm não trở nên lớn hơn ở những chủng người nguyên thủy như loài Homo erectus, so với các loài người vượn khác.

(theo Reuters)