Bất chấp những tuyên bố lạc quan từ phía Saudi Arabia, cuộc chiến này khó có khả năng kết thúc trong một sớm một chiều.
Có thể nói, chiến tranh Yemen là cuộc chiến của Quốc Vương Saudi Arabia Salman bin Al Saud. Năm 2015, các tay súng Houthi đã đánh đuổi ông Hadi khỏi thủ đô Sanaa, sẵn sàng kiểm soát cả đất nước. Từ đó đến nay, ông Hadi phải sống lưu vong ở Riyadh, Saudi Arabia. Phiến quân Houthi đã mở nhiều chuyến bay thương mại trực tiếp từ Sanaa tới Tehran, đồng thời thực hiện các biện pháp tăng cường quan hệ lâu dài với Iran, quốc gia vốn được xem là đối thủ “không đội trời chung” của Saudi Arabia.
Một tòa nhà ở thủ đô Sanaa, Yemen sụp đổ trong đợt không kích của liên quân Arab. (Nguồn: Vocative) |
Riyadh lo sợ một chính quyền Yemen thân Iran có thể trở thành mối đe dọa an ninh tại phần biên giới phía Đông mong manh nhất đất nước. Chính vì vậy, ngay lập tức, Saudi Arabia đã thông báo việc thành lập một liên minh các nước Arab để đưa ông Hadi quay lại nắm quyền tại Sanaa. Tuy nhiên, một số nước như Oman và Pakistan đã từ chối tham gia chiến tranh.
Sau nhiều nỗ lực, Saudi Arabia và các quốc gia Arab đã ngăn chặn thành công phiến quân Houthi chiếm lấy thành phố trọng yếu Aden. Chính quyền Hadi đã thiết lập căn cứ ở phần lớn khu vực ở miền Nam Yemen, song việc kiểm soát vùng đất xung quanh Aden vẫn rất mong manh.
Tuy nhiên, ngay cả khi hỗ trợ Tổng thống Hadi lấy lại được Sanaa, Saudi Arabia vẫn sẽ phải đối mặt với các cuộc giao tranh liên miên với lực lượng Houthi về sau. Nhiều đời Vua Saudi Arabia đều nhận ra rằng, chiến tranh với Yemen có thể tiêu tốn rất nhiều nguồn lực.
Trong khi đó, tổ chức al-Qaeda ở Bán đảo Arab (AQAP) hưởng lợi rất nhiều từ cuộc chiến này. Đó là lý do chính quyền mới của Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào các mục tiêu của AQAP kể từ tháng 1 năm nay. Chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn, AQAP sẽ tìm thấy rất nhiều không gian để phát triển và tuyển mộ thêm nhiều người Yemen cho mục tiêu khủng bố của mình.
Về phần mình, Iran cũng đạt được khá nhiều lợi thế từ cuộc chiến Yemen. Chỉ hỗ trợ một lượng nhỏ chuyên gia và khí tài, nhưng Iran đã đạt mục đích tuyên truyền rằng chính họ giúp đỡ Yemen chống lại người Arab. Không những vậy, Iran đã kéo đối thủ Saudi Arabia sa lầy vào một cuộc xung đột khó tìm lối thoát.
Để chấm dứt cuộc chiến, Liên hợp quốc đã cố gắng xây dựng một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài và bắt đầu tiến trình chính trị. Tuy nhiên, không bên liên quan nào bày tỏ thiện chí thỏa hiệp, trong khi Saudi Arabia không muốn gạt Tổng thống Hadi sang một bên. Con đường giải quyết thông qua ngoại giao cũng trở nên bế tắc.
Về phía Mỹ, một số thành viên của chính quyền mới như Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều có kinh nghiệm về vấn đề Yemen. Trọng tâm của Mỹ trong cuộc chiến này là giúp đỡ đồng minh lâu đời nhất tại khu vực là Saudi Arabia thoát khỏi xung đột. Mối quan tâm cấp bách khác của Mỹ là ngăn chặn thảm họa nhân đạo xảy ra ở Yemen. Những nỗ lực ngoại giao do Mỹ đứng đầu có thể là lời giải cho bài toán khó Yemen, nhưng nó cần được thực hiện bằng những cam kết và hành động cụ thể.