Cho đến hôm nay, qua khảo sát hiện trường, người ta đã đi đến kết luận rằng trước khi chìm, con tàu đã vỡ thành 3 mảnh chứ không phải 2 mảnh như trong bộ phim Titanic của đạo diễn James Cameron. Và nó chìm cũng nhanh hơn nhiều so với trong phim. Lý do chìm được xác định là vỏ tàu quá mỏng, lượng đinh tán quá ít. Tuy nhiên, đó chưa phải là tận cùng sự thật.
Cuối tháng 9 vừa qua, các nhà sử học tìm thấy một tài liệu của Harland and Wolff - công ty đóng tàu ở Belfast, Ireland đã đóng Titanic và những tàu chị em của nó. Tài liệu cho thấy một sự thật mới, có lẽ là sự thật cuối cùng về Titanic.
Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, khi mà mỗi năm có hàng trăm chuyến tàu đưa hàng triệu lượt khách vượt Đại Tây Dương, những vụ chìm tàu không phải quá bất thường. Trong thời gian đang đóng Titanic cũng xảy ra một vụ chìm tàu gần Nantucket, Massachussets giữa tàu Republic và tàu Florida. Cả hai tàu đều bị thiệt hại nặng hơn nhiều so với Titanic sau này. Nhưng Florida vẫn cố đến được New York, còn Republic nổi trên mặt biển được 38giờ, cả 750 hành khách được cứu thoát.
Mãi đến năm 2005, các nhà khoa học mới biết sự thật về Titanic khi được quan sát kỹ lưỡng vỏ tàu và lượng đinh ri-vê ít ỏi tán vào nó sau những đợt thám hiểm của chuyên gia Matsen. Khi biết được những kết quả này, Tom McCluskie, nhân viên văn thư về hưu của hãng Harland and Wolff, đã bỏ ra 3 năm và tìm được tài liệu điều tra nguyên nhân vụ đắm tàu năm 1912. Trong đó, những điều tra viên, cũng là nhân viên của Harland and Wolff, kết luận: Vỏ tàu quá mong manh, lượng đinh tán quá ít, chất lượng thấp. Cụ thể vỏ tàu mỏng hơn 1/2 inch (tương đương 1,27cm) và đinh tán ngắn hơn 1/4 inch (0,32cm) so với mức chuẩn.
Nếu những chi tiết này được cải thiện, tàu đã không bị thiệt hại nặng như vậy khi va vào tảng băng và có thể nổi lâu hơn trên mặt nước. Một loạt tàu được đóng theo công nghệ dùng cho Titanic, trong đó có tàu Olympics vẫn an toàn, kể cả khi bị tai nạn. Đó là do vỏ tàu được đóng đúng yêu cầu cả kỹ thuật lẫn chất lượng.
Kết luận của cuộc điều tra đã được giấu kín tới tận bây giờ. Tại thời điểm năm 1912, những người đứng đầu Harland and Wolff đổ riệt cho thuyền trưởng Titanic về việc làm chìm tàu. Lý do rất đơn giản: Nếu sự thật được công bố, những vụ kiện cáo của gia đình nạn nhân có thể khiến cho các chủ nhân Titanic, trong đó có nhà tài phiệt lừng danh J.P. Morgan khánh kiệt.
Lợi nhuận đã làm mờ mắt ông chủ của Titanic, J.P. Morgan. Thời gian đó, J.P. Morgan được Chính phủ Liên bang Mỹ hỗ trợ mua hàng loạt công ty vận tải thủy Anh, Mỹ. Titanic được thiết kế để cạnh tranh với những chiếc tàu sang trọng và có tốc độ nhanh như Lusitania và Mauretania của Công ty Cunard Line, đối thủ của J.P. Morgan trên Đại Tây Dương. Việc làm vỏ tàu mỏng hơn, dùng đinh tán ngắn hơn không chỉ làm giảm chi phí đóng tàu, mà còn giúp Titanic nhẹ hơn tới 2.500 tấn, làm cho nó chạy nhanh hơn so với các đối thủ.
Tai hoạ đã được dự báo trước. Con tàu “không thể bị chìm” như tạp chí Shipbuilding từng phong, đã chìm nhanh hơn mọi dự đoán. Liệu việc công bố những tài liệu mới có làm dấy lên một vụ kiện tụng mới nhằm vào những hậu duệ của J.P Morgan hay không? Điều này không ai có thể trả lời chắc được.
Tuấn Minh(Theo Science Journal, Wikipedia)