Ba ứng viên Tổng thống Romania (từ phải sang trái) Mircea Geoana, Crin Antonescu, Traian Basescu (Ảnh: AFP) |
Tin từ hãng BBC cho hay, có 12 ứng cử viên tranh chức Tổng thống mới ở Romania, trong đó có ba ứng cử viên nhận được sự ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò dư luận sát ngày bầu cử là đương kim Tổng thống Traian Basescu với 35%, ông Mircea Geoana thuộc đảng Dân chủ Xã hội với 30% và ông Crin Antonescu với 18%.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, ít có khả năng một ứng cử viên nào đó giành đa số tối thiểu trong cuộc bỏ phiếu ngày 22/11. Điều này đồng nghĩa với việc Romania có thể phải tổ chức bỏ phiếu vòng II, dự kiến vào ngày 6/12 tới, với nhiều khả năng là giữa ông Traian Basescu và ông Mircea Geoana. Năm nay 58 tuổi, ông Traian Basescu là cựu Thuyền trưởng và từng có thời gian là Thị trưởng Bucharest.
Năm 2004, ông được bầu làm Tổng thống Romania. Còn ông Micrea Geoana (51 tuổi) lại từng là Đại sứ của Romania tại Washington và là cựu Bộ trưởng Ngoại giao. Ông còn là thủ lĩnh Đảng Dân chủ Xã hội (PSD). Trước thềm bầu cử, ông Traian Basescu tuyên bố rằng ông mong nhận được sự ủng hộ của mọi người để có đủ sức mạnh, vượt qua những lực cản từ các phe đối lập trong việc cải tổ cơ cấu chính trị.
Còn ông Micrea Geoana lại hứa hẹn với các cử tri về những gói kích cầu kinh tế đầy tham vọng. Theo quy định, người thắng cuộc trong cuộc bầu cử sẽ có quyền lựa chọn Thủ tướng và đưa ra những quyết định quan trọng trong việc cải tổ cơ cấu chính trị - kinh tế ở Romania sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn của EU.
Diễn ra trong bối cảnh Romania đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng với thâm hụt ngân sách nhà nước lên tới 7,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 8,0% trong năm 2009, cuộc bầu cử lần này được coi là cách giúp Romania thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 2 tháng qua sau khi chính phủ của cựu Thủ tướng Emil Boc không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hồi giữa tháng 10.
Trong khi đó, nhà kinh tế Lucian Croitoru đã được Tổng thống Traian Basescu bổ nhiệm làm Thủ tướng mới, nhưng lại cần phải nhận được số phiếu ủng hộ cần thiết tại Quốc hội, một việc không hề dễ chút nào.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, cơn bĩ cực hiện nay của Romania thực chất đã nhen nhóm từ sau cuộc bầu cử tháng 11/2008 do liên minh cầm quyền giữa hai đảng PSD và đảng Dân chủ Tự do (PDL) luôn trong tình trạng "cơm không lành canh chẳng ngọt", chủ yếu là bất đồng về vấn đề việc làm và chính sách.
Bất ổn chính trị càng khiến cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội ở quốc gia Đông Âu này thêm trầm trọng. Hệ quả tất yếu là cuộc bầu cử Tổng thống đầy cam go trong ngày 22/11. Tuy nhiên, để cuộc bầu cử này trở thành lối thoát cho cuộc khủng hoảng, các đảng phái ở Romania cần phải đoàn kết vì quyền lợi chung thay vì tranh đấu cho những nhu cầu và tham vọng riêng.