Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch trả lời phỏng vấn Tehran Times. (Nguồn: Tehran Times). |
Ngày 2/9 năm nay là ngày vô cùng ý nghĩa đối với người dân Việt Nam khi Việt Nam kỷ niệm 70 Quốc khánh. Đại sứ có thể cho biết cảm nhận chung của người dân nước Ngài trong ngày này?
Người dân Việt Nam chúng tôi coi ngày Quốc khánh như ngày Tết. Chúng tôi kỷ niệm ngày lễ này với tất cả niềm hân hoan, trân trọng và tình yêu Tổ quốc. Ngày 2/9 năm nay lại càng ý nghĩa hơn bởi nó đánh dấu 70 năm ngày Quốc khánh. Tôi không ở Việt Nam nhưng tôi tin rằng cả nước tôi đang rất phấn khởi đón mừng ngày Tết đặc biệt này.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã rất đau thương và đất nước các bạn đã gác lại những thập niên thù địch, đồng thời mở ra một chương mới trong quan hệ với Hoa Kỳ như thế nào trong thời gian qua, thưa Đại sứ?
Kể từ khi độc lập, người Việt Nam luôn tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chúng tôi đã phải chiến đấu gần 30 năm để bảo vệ nền độc lập. Đây là một cuộc chiến lâu dài và khó khăn. Đất nước chúng tôi đã mất đi nhiều người con dũng cảm. Nhưng có lẽ đó là cái giá mà chúng tôi phải trả để bảo vệ nền độc lập và cũng tạo ra biểu tượng về lòng can đảm và kiên cường cho người dân Việt. Tại Iran, khi tôi gặp những người Iran sinh ra và lớn lên trong những năm 1950 và 1960, họ đều bày tỏ tình cảm trân trọng đối với Việt Nam.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, nhân dân Việt Nam được sống trong hòa bình. 40 năm đã qua kể từ khi chiến tranh kết thúc. Giờ đây, Việt Nam có mối quan hệ bình thường với tất cả các nước vốn là kẻ thù trong chiến tranh. Phương châm của chúng tôi là “tha thứ nhưng không lãng quên”. Chúng tôi hướng tới tương lai và nỗ lực không trở thành “tù nhân” của quá khứ. Triết lý này giúp chúng tôi vượt qua tình trạng thù địch và bình thường hóa quan hệ với những cựu thù trong quá khứ, trong đó có Mỹ.
Thưa Đại sứ, người Việt Nam đã chứng minh được rằng, họ vô cùng quả cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, tinh thần đó vẫn còn ở những người dân Việt sống trong thời bình?
Nhân dân Việt Nam đã vô cùng can đảm trong chiến tranh. Lòng can đảm đó không chỉ được thể hiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ, mà đã trở thành một phẩm chất, ngấm vào máu của người Việt qua nhiều thế kỷ, cho tới tận ngày nay. Chúng tôi hiểu rằng, cần phải tránh để đất nước rơi vào chiến tranh và chỉ khi không thể tránh được, chúng tôi can đảm đương đầu với những thách thức để bảo vệ nền độc lập của đất nước.
Đại sứ có thể cho biết vị thế kinh tế và chính trị của Việt Nam hiện nay cũng như kỳ vọng của Ngài về Việt Nam trong 10 năm tới?
Ngày nay, Việt Nam là một đối tác chủ động trên trường quốc tế, trên cả phương diện kinh tế và chính trị. Việt Nam đã tham gia vào nhiều tổ chức kinh tế, chính trị cấp khu vực và thế giới từ Liên hợp quốc tới ASEAN, từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Việt Nam luôn nỗ lực trở thành một thành viên tích cực ở bất cứ tổ chức nào mà chúng tôi tham gia.
Tôi tin rằng, với sự hội nhập sâu rộng, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ là một phần của thế giới phát triển và xứng đáng có được một vị thế tốt hơn trên trường quốc tế.
Việt Nam và Iran có thể tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực nào, thưa ông?
Mới nhận nhiệm vụ ở Iran hơn một năm nhưng tôi nhìn thấy khá nhiều tiềm năng trong hợp tác giữa hai nước. Gần đây, một biên bản ghi nhớ về việc trồng đại trà giống lúa của Iran tại Việt Nam và sau đó cung cấp trở lại thị trường Iran đã được ký kết. Đây là điều mà trong quá khứ ít người nghĩ hai nước có thể làm được. Sản phẩm nông nghiệp của Iran và Việt Nam đều bổ sung cho nhau. Do đó, hai bên càng có nhiều không gian hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, công nghiệp cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng. Ngành công nghiệp hóa dầu của Iran phát triển rất mạnh, trong khi Việt Nam có ngành điện tử, may mặc và giày da tương đối cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hai nước có thể bổ sung cho nhau trên các lĩnh vực sản xuất này.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, du lịch là lĩnh vực hợp tác đầy triển vọng giữa hai nước. Cảnh quan của Việt Nam và Iran tương đối khác nhau. Điều này khiến người dân mỗi nước càng hứng thú khám phá vẻ đẹp của nước kia. Tôi chắc chắn rằng, người Iran sẽ thích thú với những bãi biển tuyệt đẹp của Việt Nam và người Việt đam mê những ngọn núi và sa mạc của Iran. Hai nước cũng có nền văn hóa đa dạng khiến cho những chuyến du lịch sẽ càng thêm thú vị.
Đại sứ nhận định như thế nào về công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang hoạt động tại Iran?
Tôi rất vui khi nói rằng, trong những năm qua khi các biện pháp trừng phạt Iran bị siết chặt, một số công ty dầu khí đã rời khỏi Iran, nhưng công ty Ba Tư - trực thuộc PVN, là một trong số ít những doanh nghiệp duy trì chi nhánh tại đất nước các bạn. Hiện nay, Công ty đang rất tích cực trong việc chuẩn bị khởi động lại các dự án hợp tác dầu khí khi lệnh trừng phạt Iran được các nước phương Tây dỡ bỏ.
Hằng Phạm (theo Tehran Times)