📞

Lũ kết hợp triều cường gây ngập ở ĐBSCL

15:41 | 08/11/2017
Liên tiếp trong những ngày qua, triều cường dâng cao làm ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 1 và nhiều khu vực đô thị ở các tỉnh ĐBSCL.

Trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, triều cường dâng cao bất thường, gây ngập đoạn đường dài hơn 1,5km, sâu khoảng 0,5m. Nước cũng tràn vào nhà dân 2 bên đường, các phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.

Tại xã Phú Thịnh (huyện Tam Bình), xã Hòa Phú (huyện Long Hồ) và một số xã nằm ven sông Hậu thuộc hai huyện Bình Minh, huyện Bình Tân, nhiều tuyến đường bê-tông ở nông thôn bị ngập sâu gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất người dân.

Đường Hoàng Quốc Việt, phường An Bình, Q. Ninh Kiều, Cần Thơ thường xuyên bị ngập nước.

Tại TP. Cần Thơ, triều cường dâng cao ngập nhiều tuyến đường chính khu vực trung tâm quận Ninh Kiều.

Đặc biệt, tại khu vực vùng ven Cái Sơn – Hàng Bàng, đoạn đầu đường đường Hoàng Quốc Việt, phường An Bình hàng ngày nước ngập sâu khoảng 0,8m gây khó khăn cho hàng nghìn người dân, nhất là phụ huynh đưa, đón con em đến trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn.

Tại tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng lũ thượng nguồn đổ về, cùng với mưa liên tục trên diện rộng trong những ngày qua làm cho mực nước trên các sông, rạch, kênh ở tỉnh Tiền Giang dâng cao.

Theo ghi nhận ban đầu, triều cường gây vỡ 9 đập, hỏng một cửa cống lớn, sạt lở 50m bờ bao và tràn qua gần 5.200m đê bao trên địa bàn.

Tại các huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy triều cường gây ngập hơn 400ha vườn cây ăn trái, hoa màu. Hàng trăm ha hoa màu, hoa kiểng, dứa ở huyện Châu Thành, Tân Phước và Thành phố Mỹ Tho cũng bị ngập nước.

Nông dân Tiền Giang bơm tát nước chống úng cứu lúa và hoa màu có nguy cơ bị ngập nước.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: “Các ngành chức năng của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý cống, đập vận hành theo cơ chế đóng, xả hợp lý, đảm bảo tiêu thoát nước, vận động nông dân chủ động bơm tác, hạn chế thiệt hại do ngập úng. Riêng các đoạn đê bao bị sạt lở, xuống cấp, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương tập trung gia cố, làm kè, khắc phục hiện trường hạn chế sạt lở tiếp diễn".

"Sau khi có báo cáo các huyện, chúng tôi có kết hợp các ngành có liên quan đi khảo sát và đề xuất UBND tỉnh xử lý. Ở huyện, ở tỉnh cũng có giải pháp đảm bảo an toàn vấn đề đi lại của nhân dân khi đi qua các điểm sạt lở, cảnh báo, xử lý tạm thời. Trong thời gian chờ xử lý, tỉnh và huyện có giải pháp tạm thời sẽ đảm bảo ngăn triều cường", ông Pháp thông tin thêm.   

                                      

(theo Nhật Trường - Hữu Trãi/VOV)