Lũ lụt tàn phá Trung Quốc – Khả năng ngăn lũ của đập Tam Hiệp tiếp tục bị nghi ngờ. (Nguồn: AP) |
Lượng mưa cao thứ hai trong hơn nửa thế kỷ qua gây lũ lụt, tàn phá nhiều nơi trên đất Trung Quốc đã khiến nhiều người tỏ rõ sự nghi ngờ về công trình thủy điện lớn nhất thế giới, từng được coi là một “thế lực” có khả năng khắc chế dòng nước lũ.
Nhưng trên thực tế, kể từ tháng trước, ít nhất 141 người đã mất tích hoặc thiệt mạng và khoảng 28.000 ngôi nhà đã bị hư hại ở khu vực sông Dương Tử, 38 triệu người phải sơ tán, gây thiệt hại kinh tế hơn 10 tỷ USD, ảnh hưởng đến hầu hết Trung Quốc đại lục.
Thông tin với giới truyền thông hôm 13/6, Thứ trưởng Bộ Quản lý khẩn cấp Zheng Guoguang cho biết, sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á và một phần lưu vực của nó đã phải chịu đựng lượng mưa cao thứ hai kể từ năm 1961, trong 6 tháng qua.
Sau nhiều tuần lũ lụt hoành hành, nhiều nơi trên đất Trung Quốc đã phải oằn mình chống chọi với các tác động tàn khốc, càng làm dấy lên nghi ngờ về tác động của đập Tam Hiệp đối với lũ lụt đang hoành hành ở hai bờ sông Dương Tử và một câu hỏi lớn được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu chính công trình khổng lồ này có thể gặp rủi ro?
Lâu nay, “một trong những biện minh chính cho đập Tam Hiệp là khả năng kiểm soát lũ lụt, nhưng chưa đầy 20 năm sau khi hoàn thành, chúng ta có trận nước lũ cao nhất trong lịch sử”, ông David Shankman, nhà địa lý học của Đại học Alabama chuyên nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc, nói với Reuters. Vị chuyên gia này thẳng thắn nhận định, thực tế này đã chứng minh con đập không thể ngăn chặn những thảm họa nghiêm trọng như vậy.
Đập Tam Hiệp được hoàn thành chính thức vào năm 2006. Dòng điện được sinh ra từ đây bắt đầu được hòa mạng vào năm 2012. Nhưng ngay từ khi khởi động, dự án đập Thủy điện Tam Hiệp đã mang nhiều tai tiếng, trở thành một trong những dự án phát triển đắt đỏ và đáng nghi ngờ nhất của Trung Quốc. Khoảng 1,4 triệu người đã phải từ bỏ nhà cửa đến vùng tái định cư để nhường nơi sinh sống cho dự án khổng lồ trên sông Dương Tử.
Một đặc điểm đáng chú ý là con đập này cũng từng được quảng bá là “cách tốt nhất để chấm dứt hàng thế kỷ lũ lụt của các vùng dọc theo sông Dương Tử” và cung cấp năng lượng cho sự bùng nổ công nghiệp của Trung Quốc. Nhưng một số nhà địa chất cũng từng cảnh báo rằng, việc xả quá nhiều nước trong hồ chứa có nguy cơ cao xảy ra động đất và gây thiệt hại kéo dài cho hệ sinh thái của dòng sông.
Năm 2012, Bộ Tài nguyên đất Trung Quốc cho biết, số vụ lở đất và các thảm họa khác xung quanh hồ chứa đã tăng 70% sau khi mực nước trong dự án trị giá 23 tỷ USD tăng lên tối đa vào năm 2010.
Theo phân tích của một số nhà khoa học có quan điểm đối lập về dự án đập Tam Hiệp, như nhà địa chất học Trung Quốc Fan Xiao, cho rằng, Tam Hiệp và các dự án đập lớn khác chỉ có thể làm cho lũ lụt tồi tệ hơn do đã thay đổi dòng chảy trầm tích của sông. Vị chuyên gia này nói với Reuters rằng, lượng nước lưu trữ tại đập Tam Hiệp chỉ dưới 9% lượng nước lũ trung bình.
“Con đập chỉ có thể ngăn chặn một phần và có tính tạm thời đối với lũ lụt ở thượng nguồn. Nó bất lực trong việc chỗng đỡ lũ lụt do mưa lớn ở trung và hạ lưu sông Dương Tử”, nhà địa chất học Fan Xiao cho biết.
Thiệt hại từ trận lụt hiện đã được ước tính lên tới hàng trăm triệu USD, gây thêm áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc vốn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch covid-19.
Tỉnh Hồ Bắc có dòng sông Dương Tử chảy qua, được biết đến với hệ thống sông, hồ dày đặc và đang đặc biệt bị đe dọa bởi các đợt mưa lớn trong những tuần qua. Thủ phủ Vũ Hán của tỉnh này vốn là tâm điểm bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Người dân trong lưu vực sông Dương Tử trong những tuần gần đây tỏ rõ sự lo ngại về khả năng chịu đựng của con đập khổng lồ khi có dự báo về các trận mưa lớn hơn, mặc dù chính quyền đã cho mở các cửa xả lũ. Mới đây, một người dân ở Vũ Hán sống ở phía Nam con đập đã đăng một đoạn video cho thấy, nước trên sông Dương Tử vẫn ở trên mức trung bình, mặc dù trời không mưa, Nikki Asian Review đưa tin.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, kể từ ngày 29/6, dòng chảy của đập Tam Hiệp đã được kiểm soát với tốc độ trung bình hàng ngày là 35.000 m3/s, giảm tới 30% lưu lượng cực đại của dòng Dương Tử. Theo bình luận của CGTN, đập Tam Hiệp đã "giải tỏa hiệu quả áp lực kiểm soát lũ ở vùng trung và hạ lưu của dòng sông".
Một ngôi làng ở phía Đông tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Nguồn: AP) |
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng bác bỏ những lo ngại được cho là "bị thổi phồng bởi một số phương tiện truyền thông phương Tây". Global Times tuyên bố, đập Tam Hiệp được thiết kế với khả năng chịu đựng những cơn lũ nghiêm trọng chỉ có thể xảy ra “một nghìn năm một lần”. Con đập có thể chịu được mực nước lên tới 175m hoặc lưu lượng dòng chảy là 70.000m3/giây.
Tuần trước, Công ty điều hành Dự án Tam Hiệp cho biết, việc xả nước xuống hạ lưu đã giảm một nửa kể từ ngày 6/7. Các biện pháp xử lý đã kiềm chế hiệu quả tốc độ dòng chảy và mực nước dâng cao ở trung và hạ lưu sông Dương Tử. Tổng lượng nước lũ hiện đạt 88% tổng dung tích của hồ chứa.
Tuy nhiên, những thông tin trên khó xoa dịu những người vốn bất đồng với dự án, tranh cãi và hoài nghi vẫn còn. "Với nhận thức muộn màng, tôi nghĩ rằng, tất cả những chuyên gia phản đối việc xây dựng đập Tam Hiệp đều đúng", Zhang Jianping, một nhà hoạt động ở Giang Tô nói. Theo quan điểm của người này, kể từ khi nó được xây dựng, đập Tam Hiệp chưa bao giờ đóng vai trò ngăn chặn lũ lụt hay hạn hán, như chúng tôi được biết trước đó".