Là bộ phận quan trọng trong cộng đồng người Việt đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chị em phụ nữ ngày càng có vai trò, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, cũng như quan hệ hữu nghị của Việt Nam với các nước và đối tác.
Ban chấp hành Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại châu Âu nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt tại Đại hội thành lập Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, ngày 9/9/3023. (Nguồn: TTXVN) |
Nuỗi dưỡng tâm hồn người Việt
Sinh sống ở xứ người, những phụ nữ Việt mang trong mình ý thức và trách nhiệm gìn giữ và lan tỏa văn hoá truyền thống của dân tộc.
Không chỉ quan tâm đến việc giáo dục con cái hướng về nguồn cội, các chị trực tiếp dạy tiếng Việt, nấu món ăn truyền thống, tổ chức chuyến tham quan về nguồn cho thế hệ kiều bào trẻ qua các dịp lễ, Tết truyền thống...
Tại Đức, TS. Đào Thị Châu Hà xây dựng kênh Youtube Ms Chery Bear để chia sẻ về văn hóa Việt và các bài học tiếng Việt, hay lập ra Câu lạc bộ trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài, tổ chức các lớp học tiếng Việt trực tuyến cho con em người Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Ngoài ra, chị còn đọc sách và trò chuyện hằng tuần với các bé qua Zoom hay các hoạt động của Câu lạc bộ đọc sách “Những vì sao”, sáng tác các bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của tiếng Việt cũng như các bài thơ ngắn, dễ học và xây dựng bộ học liệu tiếng Việt với hệ thống câu hỏi trắc nghiệm về tiếng Việt trên giao diện Quizizz.
Nói về công việc ý nghĩa này, chị Hà chia sẻ: “Tôi làm trước hết vì con tôi, vì các em nhỏ Việt Nam xa xứ ở quanh tôi và cả những em nhỏ có một phần dòng máu Việt. Tôi mong chúng gắn bó hơn với quê hương Việt Nam và có phẩm chất của một “cá thể song ngữ” thông minh hơn, tiếp cận các vấn đề nhanh nhạy và sáng tạo hơn”.
Vì không đành lòng khi thấy những người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ dần sao nhãng với tiếng Việt, không có môi trường để nói tiếng Việt, chị Ngô Kim Việt trở thành “cô giáo bất đắc dĩ”, tình nguyện dạy cho các cháu nhỏ trong gia đình người Việt, dạy trong các nhà thờ theo phong trào hướng đạo… tại Mỹ.
Cách dạy của chị Việt đặc biệt, đó là thông qua bài học về lịch sử, văn hóa truyền thống, hình ảnh lễ hội, văn hóa đặc sắc của Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…
TS. Đào Thị Châu Hà dẫn chương trình cho hoạt động cộng đồng tại Đức. (Ảnh: NVCC) |
Bên cạnh các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, chị em còn tình nguyện tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, quyên góp ủng hộ nạn nhân thiên tai, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn... Những khi xảy ra dịch bệnh như Covid-19, động đất, chiến sự…, chị em luôn đồng hành trong nỗ lực giúp đỡ cộng đồng và bà con nước sở tại.
Như vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch Covid-19, những tình nguyện viên đến từ Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia đã cùng nhau thực hiện những chuyến hành trình ý nghĩa nhằm lan tỏa yêu thương đến với lao động nghèo ở đất nước Malaysia gồm nhiều bang rộng lớn.
Có những chuyến đi khá “bão táp” với cung đường quanh co ở nhiều bang, nhưng trong lòng các chị em rất vui vì đã đem quà đến trao tận tay những công nhân làm trong công trường xa đường lớn, ở nơi hẻo lánh và ít người. Thậm chí, có những hôm họ còn vượt qua tới 1.500 km để trao quà tới bà con gặp khó khăn nhất tại Bukit Jalil, SuBang, Klang...
Ở trong nước, những chương trình tương thân, tương ái như “Trái tim cho em”, “Mái ấm tình thương”, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ khuyến học… thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của chị em kiều bào ở nhiều nước như Pháp, Ba Lan, Đức, Hungary, Nga, Czech, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào…
Với những chị em có trình độ chuyên môn cao như bác sĩ, giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học trên một số lĩnh vực, họ đã mang kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề về phổ biến ở Việt Nam. Điển hình như bác sĩ Lê Thúy Oanh, Việt kiều ở Hungary, đã rất thành công với phương pháp châm cứu bằng cấy chỉ, điều trị nhiều căn bệnh khó một cách hiệu quả.
Một số chị em còn được chính quyền nước sở tại ghi nhận vì những đóng góp quan trọng cho cộng đồng, như chị Hoài Thu tại Đức được trao giải thưởng “Người phụ nữ Berlin” năm 1999 và hay chị Lê Nguyễn Minh Phương trở thành người Việt Nam đầu tiên tại Hàn Quốc được vinh danh “Công dân danh dự Seoul” năm 2019…
Với những danh hiệu này, các chị chính là cầu nối giúp nhân dân nước sở tại thêm hiểu và yêu quý đất nước, hiểu thêm về con người Việt Nam, cũng như vun đắp thêm cho tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Đoàn kết và phát huy sức mạnh mềm
Những người phụ nữ Việt ở nước ngoài đặc biệt ý thức được sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong hoạt động của tổ chức dưới nhiều hình thức như hội phụ nữ, câu lạc bộ phụ nữ, tổ phụ nữ….
Tại châu Âu, một mái nhà chung mang tên Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại châu Âu chính thức ra đời từ năm 2023. Đây là nơi chị em gặp gỡ, hỗ trợ nhau trong các hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị Việt, hội nhập tốt hơn ở các nước sở tại...
Theo chị Nguyễn Việt Triều - Chủ tịch Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Liên hiệp Hội nhận được sự đồng tình và ủng hộ của chị em ở các nước. Mặc dù cách trở địa lý, nhưng các Hội thành viên đã khắc phục khó khăn, đồng lòng nhất trí với các chương trình hành động.
Trong nhiệm kỳ 2023-2028, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được các chị em thống nhất cao như chung tay giúp đỡ phụ nữ tại các nước chưa có Hội phụ nữ thành lập tổ chức của riêng mình; hỗ trợ các chi hội thành viên xây dựng được các chương trình hoạt động độc lập, hướng tới mục tiêu nâng cao hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. Họ còn cùng nhau kêu gọi và quyên góp để thành lập Quỹ “Vì phụ nữ nghèo và trẻ em mồ côi”.
Có thể thấy, phong trào phụ nữ Việt ở nước ngoài đang có sự đóng góp công sức rất lớn của những tổ chức của phụ nữ ngày càng hoạt động mở rộng với hình thức phong phú tại khắp các địa bàn trên thế giới.
Tổ phụ nữ trang trí đón Tết cổ truyền tại Bệnh viện dã chiến Việt Nam tại Nam Sudan. (Nguồn: Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5) |
Ở Nam Sudan, BS. CK2. Huỳnh Thị Thanh Giang, chuyên ngành sản khoa của Bệnh viện dã chiến số 2 cấp 5 được chị em xem như cánh chim đầu đàn trong Tổ phụ nữ trong các hoạt động giữ gìn văn hoá truyền thống Việt ở đây. Cùng với sự nhiệt huyết của chị Giang, Tổ phụ nữ của Bệnh viện còn đang chủ trì một kế hoạch chuyến công tác thiện nguyện cho trẻ em tại Bentiu, nhằm đóng góp trong công tác nhân đạo, xây dựng và bảo vệ cộng đồng dân cư địa phương.
Ở nước Áo, các chị em trong Hội phụ nữ cũng đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục văn hoá truyền thống, cũng như tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng. Mới đây, vào ngày Rằm tháng Giêng, họ đã cùng nhau tổ chức một sự kiện gói bánh chưng cho trẻ em của cộng đồng và đang háo hức chuẩn bị cho việc khai trương lớp giảng dạy tiếng Việt tại Áo dự kiến vào đúng Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay.