📞

Lựa chọn khó khăn của bà Theresa May

07:00 | 13/08/2016
Anh quyết rời bỏ “mái nhà chung” mà vẫn muốn duy trì những mối liên hệ mật thiết về kinh tế với Liên minh châu Âu (EU). 

Tân Thủ tướng Anh đang muốn đưa ra một mô hình đặc biệt để xây dựng mối quan hệ giữa Anh với EU trong tương lai. Ý tưởng này của bà Theresa May chưa thực sự thuyết phục được giới chức châu Âu, tuy nhiên, có vẻ bà đang muốn tận dụng tối đa các cơ hội.

Thập niên bất ổn

Cho đến gần đây, kinh tế Anh vẫn khá ổn, tạo ra nhiều việc làm và thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bức tranh này có vẻ đang thay đổi sau cú sốc Brexit.

Niềm tin tại quốc gia này đã lao dốc mạnh nhất nhiều thập kỷ. Trong khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường GFK mới đây, có tới 60% người trả lời cho rằng tình hình nước Anh tệ hơn trong 12 tháng tới. Giới doanh nhân cũng tỏ ra bi quan về tương lai. Khảo sát của Credit Suisse với lãnh đạo các doanh nghiệp cho thấy khoảng 66% công ty lớn ở châu Âu sẽ hoãn hoặc giảm đầu tư vào Anh trong 6 tháng tới.

Thủ tướng Anh Theresa May (phải) gặp Thủ tướng Angela Merkel ở Berlin. (Nguồn: The Guardian).

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, GDP của Anh sẽ giảm 3,3% trong 4 năm tới và giảm 5,1% vào năm 2030. Thậm chí, Anh còn có khả năng rơi vào suy thoái ngay trong những năm tới. Những tác động từ bất ổn kinh tế, việc giảm lao động di cư vì mục đích kinh tế và những biến động đối với đồng Bảng Anh là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này.

Kịch bản xấu nhất có thể mang tới cho nước Anh một thập niên bất ổn do nước này cần phải đàm phán lại từng thỏa thuận với hơn 50 nước đang có các thỏa thuận thương mại với EU. Bên cạnh đó, các lĩnh vực từ chế tạo ôtô, nông nghiệp và dịch vụ tài chính… đều sẽ bị ảnh hưởng, bởi nước Anh ước cần khoảng 10 năm để tách khỏi EU, cũng như thương thảo các hiệp định thương mại mới.

Đối mặt với hiện trạng của nước Anh là tân Thủ tướng Theresa May. Người phụ nữ này sẽ phải chứng minh bà kiên cường đến mức nào trong bối cảnh những lãnh đạo ủng hộ Brexit lần lượt từ chức, nội các chưa kiện toàn. Bà cũng sẽ phải một mình chống lại áp lực từ giới chức EU, hối thúc Anh kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, bên cạnh đó phải trấn an các nhà đầu tư đã vội vã tháo chạy, khiến đồng Bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất từ những năm 1980 và nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề.

Hiện Thủ tướng May có 3 lựa chọn. Thứ nhất, Anh có thể gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Hiệp ước này sẽ giúp các nước không phải thành viên EU được tiếp cận thị trường, như Na Uy, Iceland... Tuy nhiên, Anh sẽ không được toàn quyền kiểm soát biên giới. Đó là điều mà những người ủng hộ Brexit không hề muốn.

Thứ hai, bà có thể đàm phán một hiệp định song phương, tương tự hiệp định mà Canada và Mỹ đã ký với EU. Nhưng bất lợi là việc đàm phán sẽ rất phức tạp và kéo dài nhiều năm.

Thứ ba, Anh có thể dựa vào các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giao thương  với EU như Brazil đang làm. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ khiến việc thương mại gặp nhiều rào cản, và có thể khiến kinh tế Anh thiệt hại lớn.

Tự do thương mại = tự do đi lại

Trong ba lựa chọn trên, dĩ nhiên bà May chẳng muốn chọn phương án nào. Điều bà May muốn là “ly hôn” EU, chấm dứt việc công dân EU tự do sống, làm việc ở Anh,  mà vẫn giữ được thị trường chung châu Âu và những lợi ích kinh tế. Không chỉ thể hiện trong bài phát biểu nhậm chức, những động thái gần đây của tân Thủ tướng đều cho thấy mục tiêu này.

Rất tiếc, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố thẳng thừng, khả năng tiếp cận thị trường phải luôn đi kèm với tự do đi lại, những yêu sách của Anh khó có thể được đáp ứng. Cho dù bà May đã vài lần đánh tiếng với Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc xây dựng một liên minh, thì bà vẫn chỉ nhận được câu trả lời không hợp tác. Tất nhiên, bà May chưa có ý định bỏ cuộc.   

Nhưng thời gian không chờ đợi, quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu “thúc giục” bà May công bố lựa chọn  càng nhanh càng tốt, vì họ cần thời gian để lên kế hoạch. Bất ổn về khả năng tiếp cận thị trường châu Âu càng kéo dài, họ càng trì hoãn đầu tư, thuê nhân công hay thậm chí sẽ chuyển sản xuất khỏi Anh.

Trong trường hợp khả quan nhất, nếu Anh đạt được thỏa thuận với EU về Brexit và ngăn chặn được suy thoái, thì nước này vẫn cần tiền để lấp đầy lỗ hổng ngân sách và thu hẹp thâm hụt thương mại. Việc này tất nhiên sẽ không phải vấn đề lớn nếu ngoại tệ vẫn chảy vào Anh như bình thường.

Nhưng trên thực tế, đồng Bảng dù đã mất giá khoảng 12% so với USD từ sau Brexit, thì tiền vẫn không đổ vào Anh. Bởi các nhà đầu tư vẫn chờ đợi được thấy tương lai của nước Anh. Các chính sách mới, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… dù được hé lộ, vẫn không mấy thu hút sự chú ý. Bởi giới đầu tư còn cân nhắc tới cơ chế tự do di chuyển lao động và tiếp cận thị trường chung châu Âu.

Ngân hàng Trung ương Anh có thể giảm lãi suất và tung các gói kích thích trong vài tháng tới. Tuy nhiên, số tiền này khó đủ để ngăn chặn nền kinh tế tăng trưởng chậm. Chính phủ mới cũng đã “bật đèn xanh” về việc tăng kích thích kinh tế, từ bỏ kế hoạch thặng dư ngân sách năm 2020, giảm chi tiêu công, và vay thêm để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng, khi Anh đang có thâm hụt ngân sách cao thứ hai trong nhóm các nước phát triển.

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, những năm 1980 cũng là thời kỳ nước Anh được lãnh đạo bởi một phụ nữ. Margaret Thatcher - Người đàn bà thép với những quyết định cứng rắn đã đưa nước Anh ra khỏi giai đoạn khó khăn về kinh tế. Bà cũng là người từng phản đối mạnh mẽ việc Anh lại gần EU.

Trong khi đó, về độ cứng rắn, thận trọng và thực dụng thì Theresa May được đánh giá là có thừa. Họ tin rằng, bà sẽ từ từ chèo lái con thuyền nước Anh đi qua một trong những thời kỳ biến động nhất trong lịch sử.