Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. (Nguồn: EPA-EFE) |
Tối 6/7, Hong Kong đã công bố các chi tiết bổ sung luật an ninh dành cho đặc khu này, nhấn mạnh các lực lượng an ninh có quyền tối quan trọng khi tiến hành kiểm tra các tài sản để thu thập bằng chứng và ngăn các đối tượng rời khỏi Hong Kong.
Theo đó, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã được trao thêm quyền giám sát bao quát hơn với các quyền giám sát bí mật đối với các vụ việc an ninh quốc gia, trong đó có chặn thông tin.
Cảnh sát Hong Kong cũng được trao thêm các quyền lực to lớn hơn có thể tiến hành khám xét mà không cần lệnh nếu họ cho rằng một mối đe dọa tới an ninh quốc gia là "khẩn cấp", trong khi cảnh sát trưởng được trao quyền kiểm soát và xóa bỏ những thông tin trên mạng nếu có "những căn cứ hợp lý" để nghi ngờ dữ liệu đó vi phạm luật an ninh quốc gia.
Cảnh sát có thể yêu cầu các tập đoàn internet và các nhà cung cấp dịch vụ gõ bỏ thông tin và thu giữ các trang thiết bị của họ, đồng thời phạt hành chính và có thể bị giam giữ tới 1 năm nếu họ từ chối tuân thủ.
Trước đó, nhiều tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có Facebook, Google và Twitter, cho biết, họ đang tạm hoãn thực hiện những yêu cầu cung cấp thông tin người dùng từ chính quyền cũng như các nhà chức trách thực thi pháp luật của đặc khu.
Về phía Mỹ ngày 7/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ trích hành động của Trung Quốc nhằm kiểm soát các nhà hoạt động, trường học và thư viện ở Hong Kong theo luật an ninh quốc gia mới.
Trong một tuyên bố với những ngôn từ gay gắt, ông Pompeo nói: "Khi chữ ký Luật an ninh quốc gia vừa ráo mực, chính quyền địa phương đã có thành lập một văn phòng an ninh quốc gia của chính quyền trung ương, cấm các khẩu hiệu chính trị và nay lại yêu cầu các trường học thực thi công tác kiểm duyệt".
Ông Pompeo đồng thời lên án cái mà ông mô tả là "những cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các quyền và quyền tự do của người dân Hong Kong".