📞

Luật An ninh mạng - Thúc đẩy nền kinh tế số phát triển

13:54 | 08/05/2018
Sáng 8/5, tại Hà Nội, Hội Tuyền thông số Việt Nam, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á và Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) đã tổ chức hội thảo Xây dựng dự thảo Luật an ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và góp ý của các bên liên quan tại VIệt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; bà Lim May-Ann - Giám đốc điều hành Hiệp hội điện toán đám mây châu Á cùng đại diện của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các tổ chức, cơ quan ngoại giao, các chuyên gia, doanh nghiệp cùng các cơ quan truyền thông.

Ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TL)

Vào tháng Năm này, dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam dự kiến trình Quốc hội thông qua với mục đích xây dựng một hành lang pháp lý đảm bảo môi trường mạng an toàn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế số và đáp ứng nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Luật An ninh mạng với một số quy định có khả năng tác động trực tiếp đến quyền pháp lý và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Tọa đàm Xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và Kiến nghị từ doanh nghiệp Việt Nam là không gian để các chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận và đóng góp ý kiến cho Dự thảo luật.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, luật về an ninh mạng là cần thiết, đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay, giúp cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đều có điều kiện để phát triển. Ông Hồng mong rằng, với sự tham dự của các đại biểu quốc hội, các doanh nghiệp, hội thảo sẽ có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích để Luật được thông qua hợp lý, đảm bảo an ninh mạng quốc gia và đảm bảo cho truyền thông số phát triển.

Tại hội thảo, bà Lim May-Ann đại diện Hiệp hội điện toán đám mây châu Á cũng chia sẻ, kinh nghiệm ở các quốc gia châu Á cho thấy các nước không thể “chạy” quá nhanh mà cần có nhưng quy định luật pháp phù hợp để nền kinh tế số phát triển.

Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các bên liên quan. (Ảnh: TL)

Đánh giá về Dự thảo Luật An ninh mạng hiện nay, đại diện Viện IPS cho rằng, Dự thảo Luật An ninh mạng có thể điều chỉnh trực tiếp và tác động đến quyền và lợi ích của 3 nhóm doanh nghiệp là: Nhóm sản xuất và kinh doanh các thiết bị, giải pháp kỹ thuật về an ninh mạng; nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính công nghệ (Fintech) và nhóm các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ nội dung số, giải pháp công nghệ nói chung. Các quy định được đề xuất trong dự thảo Luật có thể làm gia tăng chi phí hoạt động cho các nhóm doanh nghiệp đã nêu, gồm có chi phí tuân thủ, chi phí giấy phép và thủ tục hành chính.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia và diễn giả quốc tế nhấn mạnh về tự do dòng chảy dữ liệu toàn cầu và các hiệu quả kinh tế cũng như bày tỏ nhận định, những quy định địa phương hóa dữ liệu một mặt không giúp đảm bảo an ninh mạng mà còn tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Joshua Meltzer, đại diện Viện Nghiên cứu Brookings tại Washington D.C. (Ảnh: DL)

Trả lời phỏng vấn phóng viên bên lề Hội thảo, ông Joshua Meltzer, đại diện Viện Nghiên cứu Brookings tại Washington (Mỹ), hiện là ủy viên cấp cao Chương trình Kinh tế toàn cầu và Phát triển của Viện Brookings cho rằng, điều quan trọng của nền kinh tế toàn cầu là cho phép các dữ liệu có thể dịch chuyển được qua biên giới nhưng đồng thời, chính phủ cũng phải có những quy định để đảm bảo được an ninh mạng, bảo mật dữ liệu cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

Cũng theo ông Meltzer, Việt Nam có thể đưa ra Luật về An ninh mạng sao cho vẫn thúc đẩy việc dịch chuyển dữ liệu qua biên giới nhưng cũng thúc đẩy thương mại và các hoạt động kinh tế trên nền kinh tế số phát triển, đồng thời phải đảm bảo vấn đề an ninh và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Trước những vấn đề trên, tại hội thảo, các đại biểu đưa ra những kiến nghị để đại biểu Quốc hội xem xét, sửa đổi Dự luật An ninh mạng như: nên xây dựng luật từng phần, giải quyết từng nhóm vấn đề, không xây dựng luật bao trùm như hiện nay; cần tiếp tục xem xét việc xây dựng một đạo luật riêng về bảo vệ dữ liệu; không nên đi theo hướng các quy định về địa phương hóa dữ liệu bởi chi phí thực thi là lớn hơn lợi ích thu được...