Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. (Nguồn: VGP) |
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) về cơ bản giữ nguyên bố cục của Luật hiện hành, gồm 7 chương, 168 điều, song có sửa đổi 80 Điều, bổ sung 66 Điều, bãi bỏ 29 Điều và giữ nguyên 22 Điều.
Cùng với việc sửa đổi các quy định chung, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản mới về hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quản lý nhà nước về bảo hiểm;...
Chẳng hạn như, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại hợp đồng bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thay đổi mức độ rủi ro bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, trách nhiệm trong trường hợp tái bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; bổ sung các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo đã bổ sung phạm vi hoạt động sang một số sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác cho doanh nghiệp bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bỏ tài liệu về quy tắc, điều khoản, biểu phí tại hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động; bỏ yêu cầu phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo Bộ Tài chính trước khi có thay đổi...
Dự thảo cũng bổ sung toàn bộ các quy định về việc cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài và những điều không được phép trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; duy trì sự công bằng, an toàn và ổn định của thị trường bảo hiểm.
Đồng thời, tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực châu Á thông qua việc đổi mới mô hình quản lý, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh bảo hiểm, nâng cao chất lượng tăng trưởng của thị trường.