Tòa thượng thẩm sẽ xem xét vụ án
Tố tụng hình sự tại Malaysia rất phức tạp và có đặc điểm khác biệt với Việt Nam, do Malaysia theo truyền thống thông luật (common law). Sơ lược qua bộ luật tố tụng của Malaysia, có thể thấy một số quy định có thể liên quan đến vụ án Đoàn Thị Hương như sau.
Thứ nhất, cảnh sát Malaysia có quyền điều tra các cáo buộc trong vòng 24 giờ. Trong trường hợp cần thêm thời gian và cáo buộc có liên quan đến tội danh có thể áp dụng hình phạt tử hình hay chung thân, cảnh sát cần mang nghi phạm ra trước một thẩm phán sơ cấp để xin phép tạm giữ thêm 7 ngày và có thể gia hạn thêm 7 ngày tiếp theo. Trong vụ việc này có vẻ cảnh sát Malaysia đã xin gia hạn 2 lần (14 ngày).[1]
Phóng viên tập trung bên ngoài phiên tòa tiền - xét xử nghi phạm Đoàn Thị Hương, ngày 1/3. (Nguồn: The Star) |
Thứ hai, thông thường sẽ có cuộc họp tiền-xét xử giữa nghi can, luật sư của nghi can và bên công tố, sau đó sẽ chuyển lên tòa địa phương để xem xét những vấn đề ban đầu. Tuy nhiên, có thể tòa địa phương sẽ quyết định chuyển vụ án lên tòa thượng thẩm để xét xử nếu tự xét thấy vụ án vượt quá khả năng của mình hoặc theo đề nghị của bên công tố - áp dụng quy định về xét xử theo thủ tục rút gọn.
Có vẻ như ngày 1/3/2017 tòa địa phương đã áp dụng thủ tục rút gọn để quyết định chuyển vụ án liên quan đến Đoàn Thị Hương lên tòa thượng thẩm theo đề nghị của công tố. Do đó, Tòa thượng thẩm sẽ xem xét vụ án này. Tòa địa phương cũng đã chấp nhận cho bên công tố 1,5 tháng (đến ngày 13/4) để hoàn thiện hồ sơ để chuyển vụ án lên Tòa thượng thẩm [2]. Tòa thượng thẩm có thể mở phiên xét xử vào ngày 13/4 hoặc sau đó theo quyết định của Tòa.
Thứ ba, sau khi có phán quyết của Tòa thượng thẩm, các bị cáo có thể kháng cáo lên Tòa phúc thẩm và Tòa liên bang.
Cần phối hợp trong hỗ trợ pháp lý
Đạo luật về hành nghề luật (Legal Profession Act) của Malaysia quy định luật sư tranh tụng (solicitor) phải là một công dân liên bang hoặc người định cư lâu dài tại Malaysia [3]. Như vậy, luật sư nước ngoài không được phép tranh tụng trước tòa án Malaysia. Việc luật sư nước ngoài không được tham gia tranh tụng tại nước sở tại cũng là quy định của hầu hết tất cả các nước trên thế giới. Vì vậy, việc luật sư Việt Nam mong muốn bào chữa cho Đoàn Thị Hương tại tòa án Malaysia là không thể.
Tương tự, Indonesia cũng không thể sử dụng luật sư trong nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Siti Aisyah tại tòa án Malaysia. Đội ngũ luật sư đại diện cho Sity Aisyah là những luật sư người Malaysia phối hợp với nhóm tư vấn pháp lý tại Đại sứ quán Indonesia.
Gooi Soon Seng, luật sư đại diện cho nghi phạm Indonesia Siti Aisyah, trả lời báo chí ngày 1/3. (Nguồn: Getty) |
Việc Liên đoàn luật sư Việt Nam đề xuất với Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đề nghị được hỗ trợ tư pháp cho công dân Đoàn Thị Hương là rất đáng hoan nghênh. Bộ Ngoại giao nên làm việc với các cơ quan có thẩm quyền tại Malaysia để làm rõ về thủ tục và các khả năng luật sư Việt Nam có thể cung cấp hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc trực tiếp tham gia tranh tụng trước tòa không được luật pháp Malaysia cho phép. Mặc dù vậy, luật sư Việt Nam vẫn có thể cung cấp các trợ giúp pháp lý cho Đoàn Thị Hương và gia đình ở các khía cạnh sau.
Thứ nhất, bằng mối quan hệ hợp tác với các Liên đoàn luật sư trên thế giới, trong đó có Liên đoàn Luật sư Malaysia, Liên đoàn luật sư Việt Nam có thể cùng với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Malaysia hỗ trợ Đoàn Thị Hương và gia đình tìm và lựa chọn luật sư nước sở tại có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm tranh tụng trong các vụ án hình sự có tính chất tương tự để làm luật sư đại diện cho Đoàn Thị Hương tại các phiên tòa sau này.
Thứ hai, luật sư Việt Nam có thể hỗ trợ quá trình tranh tụng của các luật sư Malaysia bằng việc chuẩn bị, thu thập bằng chứng, chứng cứ, tài liệu có liên quan tại Việt Nam làm tình tiết giảm nhẹ tội hoặc gỡ tội cho Đoàn Thị Hương trước tòa. Tất cả quá trình trợ giúp pháp lý này, nếu được tiến hành, đều cần sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Malaysia, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp để đảm bảo việc tôn trọng pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.
---
[1] http://www.reuters.com/article/us-northkorea-malaysia-kim-idUSKBN15V06K. Hương bị bắt ngày 14/2/2017, ra tòa ngày 01/3/2017.
[2] http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/two-foreign-women-charged-with-murder-of-kim-jong-nam
[3] Điều 11 khoản 1 điểm c.