Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định, cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. (Ảnh: Nguyễn Quang) |
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế, Hà Nội đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là một trong những động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã triển khai bài bản, khoa học các nhiệm vụ và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại.
Với thế và lực mới, Hà Nội ngày càng tự tin và quyết tâm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô thành “Thành phố sáng tạo” .
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 là thành phố “Văn hiến - văn minh - hiện đại”; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt 36.000 - 40.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Hà Nội quyết tâm cao độ hoàn thiện đồng bộ các phần việc quan trọng, nhằm hoạch định "vóc dáng" Thủ đô trong tương lai, trong đó có 2 đồ án quy hoạch mang tầm vóc bao trùm, toàn diện. Theo đó, TP. Hà Nội đang tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (theo Luật Quy hoạch) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065 (theo Luật Quy hoạch đô thị). Cùng với đó, thành phố đang triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện quy hoạch.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được thời gian qua, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.
Động lực mới cho quy hoạch Hà Nội
Ngày 28/6/2024, tại kỳ họp lần thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định đặc thù tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế cho Hà Nội phát triển. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho TP. Hà Nội xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch. Điều này kỳ vọng sẽ tạo được bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển Thủ đô.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), thời gian qua, Hà Nội đã tiến hành đồng thời 3 nhiệm vụ rất quan trọng: Sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đây là cơ hội vô cùng lớn để Hà Nội thể hiện khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Vấn đề quan trọng lúc này là TP. Hà Nội cần khẩn trương cụ thể các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội quy định trong Luật để sớm đưa vào triển khai trên thực tiễn.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, trên thế giới không quá 10 nước có Luật riêng cho thủ đô. Vì vậy, với việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hộc và Nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô.
“Cùng với các Nghị quyết quan trọng của T.Ư liên quan tới Thủ đô Hà Nội được ban hành thời gian gần đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo ra khung pháp lý để nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo động lực mới cho việc tổ chức thực hiện quy hoạch và cũng được xem như kim chỉ nam để phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có hẳn một chương về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, trong đó nêu rất rõ các căn cứ để thực hiện quy hoạch phát triển, cải tạo, tái thiết đô thị. Nhất là nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô. Đồng thời, xác định rõ việc quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan của Thủ đô; vai trò, ý nghĩa của trục sông Hồng, sông Đuống…
Mặc dù Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra hơn 50 chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội nhưng đây mới chỉ là những chính sách khung. Như vậy, Hà Nội cần phải có những quy định để cụ thể hóa, đưa cơ chế, chính sách đặc thù triển khai ngay vào thực tiễn.
Mở cánh cửa phát triển giao thông đô thị
Theo nhiều chuyên gia, việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể xem như Hà Nội đã được trao một chiếc chìa khóa vàng, mở cánh cửa vượt thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc đã kéo dài hàng thập kỷ, kìm bước sự phát triển về hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị (ĐSĐT).
Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những khung chính sách bản lề có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy ĐSĐT, hệ thống giao thông công cộng phát triển. Những tồn tại, bất cập thực tế đã được các chuyên gia chỉ rõ như thiếu quy định về thu hồi giá trị đất đai trong khi làm ĐSĐT; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung; bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các dự án...
Tất cả những vấn đề đó sẽ được giải quyết về cơ bản căn cứ trên những quy định của Luật Thủ đô mới, khi Hà Nội được trao quyền tự quyết trong việc đầu tư, xây dựng các dự án ĐSĐT. Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc cho phép TP. Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô. Đây sẽ là giải pháp then chốt để rút ngắn thời gian thực hiện cho các công trình trọng điểm, nhất là đường sắt đô thị.
Tại Tọa đàm "Luật Thủ đô 2024-bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá", Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đề cập trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua thực sự là những cơ chế chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai của ngành giao thông cũng như khắc phục các tồn tại của Luật Thủ đô trước đây.
Cụ thể, trong Luật có một số đột phá lớn như cho phép Thủ đô được Quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Hơn nữa, Luật cho phép Thủ đô được phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP (không sử dụng vốn Trung ương) mà không giới hạn tổng mức vốn đầu tư; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, dự án PPP đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và giao UBND Thành phố làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trong trường hợp không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài…
Luật Thủ đô (sửa đổi) là “chìa khóa vàng” thúc đẩy sự phát triển của đường sắt đô thị. (Ảnh: Trần Nam) |
| Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - tấm gương sáng ngời về tinh thần học tập suốt đời Những phẩm chất đạo đức – giá trị di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tinh thần học tập suốt đời. ... |
| Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học mới Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4/9/2024 về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu ... |
| Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong thầy cô giáo luôn tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo Trong thư gửi nhân ngày khai giảng năm học mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong các thầy cô giáo, cán bộ ... |
| Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo xung lực mới, không gian mới để Hà Nội phát triển toàn diện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để ... |
| Luật Thủ đô (sửa đổi): 'Cú hích' cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa Hà Nội Luật Thủ đô (sửa đổi) như một "cú hích", tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa, là sự ... |