📞

Lực đẩy nào cho cổ phần hóa?

15:00 | 04/04/2019
Việt Nam đã tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp được 18 năm, kể từ khi có Nghị quyết TW 3 khóa IX năm 2001, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu đặt ra.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2017 - 2020, cả nước cần cổ phần hóa (CPH) 127 doanh nghiệp (DN), cụ thể: năm 2017 (44 DN), năm 2018 (64 DN), năm 2019 (18 DN), năm 2020 (1 DN). Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, năm 2018, chỉ có 23 DN được phê duyệt CPH, với tổng giá trị DN là 31,7 nghìn tỷ đồng.

Nguyên nhân “cộng hưởng”

Tính chung lũy kế giai đoạn 2016 - 2018, đã có 159 DN được phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị DN là 442,2 nghìn tỷ đồng. Như vậy là chậm tiến độ so với kế hoạch và dồn áp lực sang năm 2019, cộng với kế hoạch năm 2019 thì đến hết năm 2020 còn hơn 60 DN phải CPH.

Cũng theo báo cáo trên, năm 2018, các DN đã thoái được 8,64 nghìn tỷ đồng, thu về 19,6 nghìn tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6,59 nghìn tỷ đồng, thu về 15,88 nghìn tỷ đồng... Lũy kế giai đoạn 2016 - 2018, cả nước đã thoái được 22,06 nghìn tỷ đồng, thu về 165,95 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, cũng như tiến độ CPH, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Lực đẩy nào cho cổ phần hóa?

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới tình trạng CPH và thoái vốn còn chậm, Bộ Tài chính cho rằng, một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa quyết liệt. Quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động. Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH.

Về vấn đề này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, CPH DNNN còn “ì ạch” bởi nhiều vướng mắc, trong đó phổ biến nhất là việc xác định giá trị đất đai, tài sản, vốn, giá trị hữu hình và cả giá trị vô hình của DN.

Trao đổi với TG&VN, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, với quá trình CPH chậm trễ, ước tính hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát, thất thu ngân sách từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác. Ông Phong cho rằng, nguyên nhân sự chậm trễ và thiếu hiệu quả, thậm chí méo mó trong quá trình CPH DNNN thời gian qua không chỉ do sự chưa đồng bộ và hoàn thiện của luật định liên quan, mà còn do hạn chế về nhận thức, sự chi phối của lợi ích nhóm và thiếu trách nhiệm của người đứng đầu DNNN, đơn vị chủ quản.

Cũng theo ông Phong, trên thực tế, Bộ Tài chính đã chỉ ra rằng, đơn vị nào mà bộ phận lãnh đạo có sự quyết tâm và minh bạch cao, công tâm và nghiêm túc thì kết quả CPH vẫn tốt và hoạt động sau CPH cũng được cải thiện, như: Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm.

Quyết liệt nhưng không bằng mọi giá

Trong năm 2019, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, DNNN phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý. Đồng thời, thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (UBQLVNN) chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Để giải quyết tình trạng CPH chậm, hiện thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp thực hiện thanh, kiểm tra đối với một số đơn vị chậm lên sàn và sau khi có kết luận thanh tra sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

TS. Lưu Bích Hồ nhận định, hoạt động của UBQLVNN, với trọng trách lớn, cần có nhân sự chất lượng, chuyên nghiệp, bộ máy và phương thức làm việc phải hiện đại, khoa học. Quan trọng nhất là ủy ban phải đảm bảo “công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình”, thực hiện nhanh việc chuyển giao chức năng quản lý vốn từ các bộ về ủy ban theo đúng quy định và tránh mọi trục trặc mang tính tiêu cực về quyền lợi.

Còn TS. Nguyễn Minh Phong gợi ý, để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ và hài hòa lợi ích, khuyến khích xã hội hóa đầu tư, kể cả thu hút vốn nước ngoài vào quá trình CPH DNNN, cùng với việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý một cách thực chất, cần rà soát và chốt chặt, làm rõ kế hoạch và trách nhiệm cá nhân cụ thể về CPH, thoái vốn DNNN cho từng năm. Bên cạnh đó, ông Phong cũng nhấn mạnh cần đề cao kỷ luật chấp hành chỉ đạo trong công tác CPH, minh bạch về nhân sự và xử lý lợi ích để giải tỏa tâm lý lãnh đạo DNNN sợ mất vị trí, quyền lợi sau CPH; tăng cường minh bạch thông tin, khắc phục tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm và ngại bộc lộ nhiều “vùng tối” về các mối quan hệ pháp lý, đất đai, nợ nần và quyết toán tài chính của DNNN; tăng cường xúc tiến đầu tư hướng đến nhà đầu tư chiến lược, gắn bó với lĩnh vực hoạt động của DNNN sau CPH…

CPH DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu và đổi mới hoạt động của DNNN. Và, nói như TS. Minh Phong, quá trình này không phải đẩy nhanh bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả, nhất là đối với các DNNN lớn, nhưng cũng không thể để chậm trễ, dễ gây thất thoát tài sản công và cản trở quá trình đổi mới, phát triển chung của nền kinh tế.