Đến nay, Việt Nam đã cử được 246 lượt cán bộ, nhân viên của Quân đội đi làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình tại trụ sở LHQ và tại các phái bộ Nam Sudan, CH Trung Phi. (Nguồn: United Nations Peacekeeping) |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) quốc lần thứ 76 ngày 22/9 vừa qua, thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam về việc tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ.
Còn lan tỏa, còn vươn xa
LHQ bắt đầu triển khai hoạt động GGHB từ hơn 70 năm (bắt đầu từ năm 1948) và có 125/193 quốc gia thành viên LHQ đã cử lực lượng tham gia. Đến tháng 6/2014, Việt Nam còn nằm trong danh sách 3 quốc gia ở Đông Nam Á chưa tham gia hoạt động này (Việt Nam, Myanma và Lào).
Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong lĩnh vực GGHB LHQ theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động xây dựng và triển khai Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo.
Việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại khi Việt Nam đã là một đất nước hòa bình, độc lập và đã thoát khỏi danh sách các quốc gia nghèo; Việt Nam cũng đã đóng góp rất hiệu quả cho việc giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống của nhân loại…
Theo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với ngoại giao đa phương, Liên hợp quốc là ưu tiên thứ 2 sau ASEAN, trong đó Việt Nam chủ trương “chủ động” và “tích cực” tham gia. |
Trong hơn 7 năm qua, Việt Nam đã triển khai thành công lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ cả hình thức cá nhân, đơn vị và đã thu được nhiều kết quả, ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần khẳng định trách nhiệm và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã cử được 246 lượt cán bộ, nhân viên của Quân đội đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại trụ sở LHQ và tại các phái bộ Nam Sudan, CH Trung Phi.
Về hình thức sĩ quan hoạt động độc lập, Việt Nam đã cử 57 lượt sĩ quan Quân đội đi làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự và sĩ quan liên lạc. Về hình thức đơn vị, sau khi Việt Nam đã ký được thỏa thuận đầu tiên với LHQ để cử Bệnh viện Dã chiến cấp 2 (BVDC2) sang Nam Sudan vào tháng 9/2018, Việt Nam đã cử được 3 lượt Bệnh viện với 189 cán bộ, nhân viên y tế đi thực hiện nhiệm vụ này.
Trong đó, Việt Nam đã cử 33 lượt nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến và 5 nữ sĩ quan theo hình thức cá nhân, đạt tỷ lệ 15,5%, cao hơn tỷ lệ trung bình hiện tại của lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ tại các phái bộ (6.4%).
Có 100% cán bộ, nhân viên Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đảm bảo tuyệt đối an toàn, trong đó 31% cán bộ, nhân viên được Chỉ huy các phái bộ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (tỷ lệ trung bình ở các phái bộ là 2%).
Trong nhiệm kỳ công tác tại phái bộ, BVDC2 số 2 đã cấp cứu, điều trị và chăm sóc cho gần 2.000 bệnh nhân là nhân viên LHQ và người dân địa phương, phẫu thuật 28 ca và vận chuyển cấp cứu đường không lên tuyến trên 11 ca, trong đó nhiều ca bệnh nặng và phức tạp.
Tháng 6/2018, LHQ đã công nhận Cục GGHB Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo Chương trình đối tác ba bên (Việt Nam, LHQ và một số nước đối tác); làm tiền đề để Việt Nam chủ trì, phối hợp với LHQ và Nhật Bản tổ chức 3 khoá huấn luyện cho nhiều sĩ quan trong nước và quốc tế về công binh trong 3 năm 2018, 2019, 2020.
Các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đồng thuận, nhất trí bầu Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm GGHB khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2020-2021 và Mạng lưới các Trung tâm huấn luyện GGHB của ASEAN (APCN) cũng lựa chọn Việt Nam làm Chủ tịch APCN.
Nữ quân nhân thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam trước giờ lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan, tháng 10/2018. (Ảnh: QT) |
Phát huy phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ"
Năm 2015, cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm một năm Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Trong chuyến thăm, ông Ban Ki-moon bày tỏ: “Tôi cúi đầu, nghiêng mình trước những sĩ quan Việt Nam đã đi một chặng đường dài tới Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi để giúp đỡ những người khốn khổ… Đối với kết quả mà các sĩ quan Việt Nam đã làm trong lĩnh vực GGHB LHQ, tôi chỉ có 2 từ để nói, đó là ‘Tuyệt vời’- (Excellent)”.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Thái Lan tháng 10/2019 cũng nói với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ: “Chưa có quân nhân nào trên thế giới lại tốt như người lính Việt Nam trong các hoạt động GGHB LHQ”.
Với những đóng góp thực chất, hiệu quả trên của lực lượng GGHB Việt Nam, Tổng thư ký LHQ, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách hoạt động GGHB và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký LHQ tại Trụ sở LHQ đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế và chất lượng, năng lực của Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Phái bộ Nam Sudan.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực GGHB LHQ cũng góp phần quan trọng vào thành công khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục (192/193 phiếu).
Chuyến công tác tại LHQ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 9 vừa qua đã có nhiều hoạt động thúc đẩy việc Việt Nam triển khai Đội Công binh tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Kết quả là, ngay sau chuyến công tác của Chủ tịch nước, LHQ đã gửi Công hàm mời Việt Nam cử Đội Công binh tham gia tại Phái bộ An ninh lâm thời LHQ tại Abyei (UNISFA).
Đến nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cục GGHB Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực chuẩn bị để triển khai Đội Công binh theo đề nghị của LHQ.
Có thể khẳng định, thông qua các hoạt động GGHB, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam có điều kiện thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, làm lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, “thủy chung trong sáng, chí nghĩa chí tình”, phát huy phẩm chất cao quý “Bộ đội cụ Hồ” thời kỳ mới với bạn bè quốc tế.
| Nỗ lực hướng tới một Việt Nam không còn đói nghèo Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo. ... |
| Hội đồng Bảo an thảo luận về tiến trình chuyển tiếp từ các hoạt động gìn giữ hòa bình Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cho rằng tiến trình chuyển tiếp thể hiện sự ổn định nhưng cũng đầy thách thức đối ... |