Qua Tây Á mua dầu, vẫn đụng khí đốt Nga, tiền châu Âu rồi lại chảy về Moscow? (Nguồn: https: aze.media) |
Azerbaijan đang làm tìm cách đáp ứng các nghĩa vụ của mình trong Thỏa thuận khí đốt với châu Âu – một thỏa thuận giữa Baku và Brussels, được bình luận là nhằm đưa châu Âu tới “những bến đỗ mới”, hoàn toàn thoát khỏi khí đốt của Nga.
Nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt nhà nước Nga Gazprom ngày 18/11 thông báo, họ đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho Công ty Khí đốt nhà nước Azerbaijan (SOCAR) từ ngày 15/11 và sẽ cung cấp tổng cộng một tỷ mét khối cho đến tháng 3/2023.
Hợp đồng này, diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng châu Âu, đặt ra câu hỏi về thỏa thuận gần đây của nước này với Brussels nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang châu Âu.
Cả Bộ Năng lượng Azerbaijan và SOCAR đều không trả lời các câu hỏi từ giới truyền thông khi được đề nghị xác nhận về thỏa thuận và các chi tiết chưa công bố rõ ràng.
Trong một tuyên bố với hãng Thông tấn APA của Azerbaijan, SOCAR cho biết, họ đã hợp tác lâu dài với Gazprom và hai công ty "đang cố gắng tối ưu hóa cơ sở hạ tầng bằng cách tổ chức trao đổi lẫn nhau dòng khí đốt".
Thỏa thuận được ký kết ngay trước giai đoạn nhu cầu cao nhất vào giữa mùa Đông, vì Azerbaijan sẽ tìm cách duy trì nguồn cung cho các khách hàng khí đốt trong nước, đồng thời đáp ứng các cam kết xuất khẩu sang Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như mở rộng các quan hệ thương mại gần đây với châu Âu.
Xuất khẩu sang châu Âu thông qua Hành lang khí đốt phía Nam đã được lên kế hoạch đạt 10 tỷ m3 trong năm nay, nhưng theo một biên bản ghi nhớ mới với Liên minh châu Âu được ký vào tháng Bảy, Baku đã đồng ý tăng xuất khẩu lên 12 tỷ m3. Mức tăng này nhằm giúp Brussels bù đắp tổn thất nguồn cung cấp khí đốt của Nga, sau các lệnh trừng phạt và trả đũa giữa Moscow và EU liên quan cuộc xung đột quân sự tại Đông Âu.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn đặt ra câu hỏi, lượng khí đốt bổ sung trong hợp đồng trên, dù ít hay nhiều, sẽ được lấy từ đâu?
Một nguồn tin thân cận với tập đoàn sở hữu mỏ khí đốt khổng lồ Shah Deniz của Azerbaijan – mỏ đang cung cấp 100% lượng khí đốt xuất khẩu của Azerbaijan, đã xác nhận, không có hợp đồng xuất khẩu mới nào được ký kết và mỏ này hiện chỉ được ký hợp đồng cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt để xuất khẩu, theo thỏa thuận trước đó.
Và hiện tại, tin tức về việc Azerbaijan sẽ nhập khẩu khí đốt Nga vào mùa Đông này, cho biết, Baku dự định sử dụng khí đốt Nga để cung cấp cho thị trường nội địa và giúp nước này đáp ứng cam kết với Brussels. Các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu áp đặt đối với Nga không áp dụng cho Azerbaijan - quốc gia vẫn được tự do nhập khẩu bao nhiêu khí đốt của Nga tùy thích.
Trong khi thỏa thuận mới giữa Brussels và Baku có mục tiêu tăng lượng khí đốt của Azerbaijan chảy sang châu Âu, để giúp EU giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, “có gì đó sai sai”. Khi thực tế, một phần hàng nhập khẩu của Azerbaijan đang nhận được sự hỗ trợ từ Nga - cho thấy những nỗ lực đa dạng hóa của Brussels có thể là vô ích và không chỉ trong ngắn hạn.
Theo thỏa thuận được ký vào tháng Bảy, Baku cũng đồng ý tăng gấp đôi lượng xuất khẩu khí đốt Nga qua Hành lang khí đốt phía Nam, lên 20 tỷ m3/năm vào năm 2027 – mức tối đa mà mạng lưới đường ống hiện tại có thể hoạt động.
Sự gia tăng lượng khí đốt sẽ rất tốn kém và mất thời gian để hiện thực hóa, đòi hỏi cả việc bổ sung thiết bị mới vào các đường ống hiện có, cũng như đầu tư lớn vào các mỏ khí đốt của Azerbaijan để sản xuất lượng khí đốt cần thiết. Tuy nhiên, kể cả khi bỏ qua những yêu cầu đó, vấn đề quan trọng nhất cho đến nay, câu hỏi về 10 tỷ m3 khí đốt bổ sung mỗi năm sẽ đến từ đâu vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Hiện tại, cũng chưa có quyết định đầu tư nào được đưa ra, để mở rộng hệ thống đường ống, tôn tạo Hành lang khí đốt phía Nam từ Azerbaijan đến châu Âu.
Trong khi đó, nhà vận hành BP cũng đã xác nhận, mỏ khí đốt khổng lồ Shah Deniz không có khả năng cung cấp thêm 10 tỷ m3 đó.
Tất nhiên, Azerbaijan cũng sở hữu một số mỏ khí đốt nhỏ khác, nhưng sản lượng từ những mỏ đó dự kiến chắc chắn không đủ để đáp ứng cam kết của Baku với Brussels. Khiến người ta lại đồn đoán rằng, lượng khí đốt “bất ngờ” được tăng thêm đó sẽ phải được mua từ các quốc gia láng giềng khác trong khu vực, chẳng hạn mỏ Caspian của Turkmenistan - nơi từng tuyên bố có trữ lượng khí đốt lớn thứ sáu hành tinh.
Mối quan hệ giữa Baku và Ashgabat đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, với đỉnh điểm là thỏa thuận trao đổi khí đốt ba bên mang tính đột phá với Iran vào tháng 12/2021. Theo đó, Turkmenistan cam kết cung cấp từ 1,5 đến 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho vùng Đông Bắc Iran và một lượng tương tự sẽ được cung cấp từ Tây Bắc Iran đến Azerbaijan.
Thỏa thuận trên dù từng được ca ngợi rộng rãi như một ví dụ hiếm hoi và đáng chú ý về hợp tác khu vực, cũng như kỳ vọng về nguồn cung cấp khí đốt bổ sung ngắn hạn cho châu Âu. Thực tế, tình trạng hiện tại của thỏa thuận không rõ ràng.
Bởi vậy, nhu cầu nhập khẩu khí đốt bất ngờ của Azerbaijan từ Nga làm dấy lên nghi ngờ rằng, thỏa thuận trên có vấn đề, hoặc kể cả tồn tại các các con đường khác - vận chuyển khí đốt Turkmenistan đến châu Âu, thì hiện vẫn không có bất kỳ tin tức nào về các phương án khả thi - để tăng lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu, lên tới 12 tỷ mét khối trong năm nay.
Tất nhiên, một trường hợp khác là Azerbaijan cũng có thể không thực hiện được cam kết tăng gấp đôi lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu - 20 tỷ m3 vào năm 2027.
| Bên trong 'nền kinh tế' World Cup, chủ nhà vung tiền… rơi vào túi ai? Nếu nhìn vào “miếng bánh” phân chia lợi nhuận thì những khoản béo bở nhất của World Cup như tiền bản quyền truyền hình, tiền ... |
| Giá cà phê hôm nay 25/11: Robusta đảo chiều bật tăng, xu hướng giá chưa rõ nét; năm thành công của cà phê Việt Năm 2022 được xem là một năm tương đối thành công của ngành cà phê Việt Nam khi sản lượng và giá bán đều đạt ... |
| Giá vàng hôm nay 25/11: Giá vàng băng băng vượt ngưỡng, tăng chớp nhoáng hay củng cố vị thế, đừng 'chơi' với vàng? Giá vàng hôm nay 25/11 củng cố đà tăng sau tín hiệu bớt "diều hâu" của Fed về lộ trình tăng lãi suất. Thị trường ... |
| Khí đốt - 'trúng đòn' trừng phạt châu Âu, sức khỏe người khổng lồ năng lượng Nga Gazprom giờ ra sao? Tập đoàn năng lượng Gazprom có bị thành một nạn nhân bất ngờ trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine? |