📞

Lương tối thiểu tăng quá nhanh so với năng suất lao động

22:14 | 11/09/2015
Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, Tổ chức này tỏ rõ sự quan ngại về vấn đề lương tối thiểu và những ảnh hưởng không nhỏ của nó tới nền kinh tế.
Khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động đang là con số rất lớn. (Nguồn: WB)

Theo nhận định của WB, tăng lương tối thiểu sẽ làm giảm tăng trưởng việc làm ở một mức độ nhất định, giảm sự hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt xa năng suất lao động. Đặc biệt, lương tối thiểu của khu vực tư nhân hiện tương đối cao so với các quốc gia khác.

Nhân công giá rẻ, vốn là một trong những lợi thế để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI. Bởi vậy, không loại trừ khả năng, mức lương tối thiểu cao sẽ trở thành một trong những yếu tố ngăn cản thu hút vốn đầu tư FDI và việc làm tạo ra nhờ nguồn vốn này. Mức lương tối thiểu tăng còn góp phần giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác có cùng mức lương thấp như Bangladesh hay Campuchia (số liệu của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, 2012).

Ngoài ra, theo nghiên cứu của WB, mức lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt tăng trưởng năng suất lao động. Trên thực tế, kể từ năm 2006, mức lương tối thiểu đã tăng hơn gấp đôi, trong khi tăng trưởng năng suất lao động thì rất chậm chạp. Một trong số những điểm gợi ý về chính sách được chuyên gia WB đề cập là việc tăng lương tối thiểu sẽ đạt hiệu quả tối đa nếu được quyết định dựa trên các yếu tố thực tế về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Trên thực tế, cuối tháng Tám vừa qua, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng vào năm 2005 lên mức 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015 (đối với vùng 4). Tổng mức tăng chung trong cả giai đoạn là 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm, trong khi mức tăng năng suất lao động kể từ năm 2005 đến nay chỉ khoảng 3%/năm.

Như vậy, kể cả nếu cộng thêm mức độ trượt giá của VNĐ trong giai đoạn 2005-2015 ở mức gần 10%/năm, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn. Điều này sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng.

Ngày 20/7 vừa qua, Viện Lao động và Xã hội công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm trong nền kinh tế đang gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014.

A.M (Theo WB, VCCI)