Bộ trưởng Bộ Phát triển Kỹ thuật số của Nga Maksud Shadayev gần đây nói rằng sẽ là một ý tưởng hay nếu tổ chức các đội quân công nghệ thông tin như một phương án cho lính nghĩa vụ quân sự. Đây là một tuyên bố táo bạo và gây tranh cãi từ một quan chức cấp cao như vậy. Có thể hiểu quan điểm của ông Shadayev bởi vì ngay từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các lập trình viên của Nga đã ồ ạt di cư sang nước khác làm việc - điều này hoàn toàn không có lợi cho Bộ Phát triển Kỹ thuật số của nước này.
Đã có ít nhất 100 nghìn lập trình viên rời khỏi Nga vào năm 2022 và dòng chảy vẫn chưa dừng lại trong năm 2023. Họ vẫn tiếp tục làm việc cho các công ty Nga, nhưng là hoạt động từ xa. Để giảm thiểu tình trạng này, chính phủ Nga đã ban hành lệnh hoãn gọi nghĩa vụ quân sự đối với các chuyên gia CNTT dưới 30 tuổi. Tuy nhiên, để có được ưu tiên này, lập trình viên phải làm việc trong các công ty được công nhận phù hợp, chứ không phải những nhân viên tự do.
Người đứng đầu Bộ Phát triển Kỹ thuật số có ý định đơn giản hóa hơn nữa hoạt động của các chuyên gia CNTT bằng cách đề xuất thành lập lực lượng mạng cho quân đội. Quân đội dự kiến sẽ tuyển dụng các chuyên gia CNTT theo hợp đồng.
Một mặt, ý tưởng này là hợp lý và thời thượng. Người Mỹ có bộ chỉ huy mạng riêng, USCYBERCOM, vậy tại sao Nga lại không xây dựng một cơ cấu phù hợp như vậy.
Nhiều nước cũng có những cấu trúc giống thế, như Hàn Quốc, Triều Tiên, Anh và Trung Quốc. Nếu tìm hiểu sâu hơn, mỗi cường quốc đều có ít nhất một bộ phận an ninh mạng quân sự.
Có vẻ như Nga không chỉ tụt hậu so với Mỹ mà còn cả thế giới, vì vấn đề đội quân mạng giờ đây mới được nêu lên. Điều này không hoàn toàn như vậy, dưới hình thức này hay khác, quân đội Nga đã có các đơn vị tham gia cuộc chiến thông tin trong mười năm nay, ví dụ như Trung tâm các dự án đặc biệt của Bộ Quốc phòng. Theo thông tin công khai, các Trung tâm bảo vệ mạng đã được thành lập ở mỗi quân khu và hoạt động thường xuyên kể từ năm 2020.
Mục tiêu của các trung tâm này là bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quân đội khỏi các cuộc tấn công máy tính. Trong điều kiện hiện đại, điều này rõ ràng phải được bổ sung chức năng tiêu diệt các mục tiêu tiềm năng của địch và thực hiện chiến tranh thông tin toàn diện.
Nhưng tại sao bây giờ câu hỏi mới bất ngờ được đặt ra về việc xây dựng một đội quân đặc biệt liên quan đến an ninh mạng. Một lời giải thích có thể là việc đưa trí tuệ nhân tạo vào hệ thống chiến đấu của Quân đội Nga trên quy mô lớn. Vào đầu tháng 10 năm nay, tại Trung tâm đổi mới công nghệ quân sự Era, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Denis Manturov, các vấn đề về robot hóa các thiết bị quân sự đã được thảo luận. Ngoài ra, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong chương trình vũ khí cho giai đoạn 2025–2034 cũng được nêu lên.
Trung tâm đổi mới công nghệ quân sự "ERA" nằm ở thành phố nghỉ mát Anapa trên bờ Biển Đen, được xây dựng năm 2018 nhằm đảm bảo giảm thiểu tối đa thời gian nghiên cứu và thực hiện các ý tưởng tiên tiến và công nghệ đột phá, phục vụ lợi ích cho quân đội Nga. Tại đây có 15 phòng thí nghiệm, 16 hướng nghiên cứu và 320 nhà khoa học trẻ. Khu phức hợp khoa học quân sự này có diện tích khoảng 17 ha.
Tìm kiếm sự hoàn thiện
Bộ trưởng Phát triển Kỹ thuật số của Nga không phải là quan chức dân sự đầu tiên chỉ ra sự cần thiết phải thành lập đội quân mạng ở Nga. Năm ngoái, ông Vasily Shpak, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nga, đã nói về điều này. Ông tiếp cận vấn đề ở mức độ vĩ mô hơn, như đề xuất tuyển mộ lính nghĩa vụ vào lực lượng mạng, giống như các công ty khoa học trong Trung tâm Era nói trên.
Đáng lẽ trong năm thứ hai của cuộc xung đột Ukraine, trung tâm khoa học trị giá hàng tỷ USD này (Era) phải chiếm áp đảo các giải pháp đổi mới, nhưng trên thực tế, trong Triển lãm “Quân đội 2023” đã không có các thành quả độc đáo nào. Danh mục đầu tư khiêm tốn của Era chỉ bao gồm máy bay không người lái trinh sát Sarych cổ điển, hệ thống huấn luyện đánh UAV bằng vũ khí nhỏ và tổ hợp tự hành cầm tay “Tissue Pistol” dành cho dịch vụ y tế. Hay do thông tin về các dự án được áp dụng trên chiến trường không được nhắc đến.
Liệu đội quân mạng mà các bộ ngành của Nga nói đến ở trên cũng trong tình trạng như vậy. Đầu tiên, cần phải làm rõ thuật ngữ thời thượng, đó là đội quân mạng hoặc đội quân công nghệ thông tin có nghĩa là gì. Có vẻ như vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng hoặc chưa được phổ biến rộng rãi.
Người điều khiển máy bay không người lái, hoặc một lập trình viên hack máy chủ của đối phương có thể được coi là chiến sỹ mạng không? Nếu coi chiến tranh lấy mạng làm trung tâm thì các cuộc tấn công mạng từ xa, tạo virus máy tính, viết phần mềm và phần cứng, tạo thông tin sai lệch và nhiều thứ khác nữa sẽ là một trong những vũ khí quan trọng, vũ khí thông tin - kỹ thuật.
Lực lượng mạng phải trở thành đơn vị tích hợp hệ thống của rất nhiều loại cấu trúc quân sự như máy tính, không gian và trinh sát kỹ thuật, từ cấp chiến thuật đến cấp chiến lược. Sẽ thật tốt nếu huấn luyện các lập trình viên và các chuyên gia mạng khác cách quản lý hành vi của các nhóm xã hội và thực hiện các hoạt động tâm lý quy mô lớn trong hậu phương của kẻ thù.
Nhìn chung, phạm vi công việc của các chiến binh mạng rất rộng. Quân đội Nga từ lâu đã có những cơ cấu riêng biệt có thể đáp ứng tốt mọi thứ được mô tả ở trên. Không chỉ trong quân đội, mà còn trong Cơ quan An ninh Nga, Cơ quan tình báo Nga, Bộ Nội vụ và Lực lượng Vệ binh Nga.
Trong số những người vận động hành lang cho lực lượng mạng có ý kiến cho rằng việc thành lập một trung tâm chỉ huy duy nhất cho tất cả các lực lượng an ninh sẽ cho phép lực lượng an ninh tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính của mình, giống như việc thành lập Bộ chỉ huy mạng USCYBERCOM của Mỹ, có một thời gian nằm dưới sự lãnh đạo của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Tuy nhiên, không hoàn toàn như vậy. Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ có quá nhiều văn phòng chuyên về chiến tranh thông tin và vũ khí mạng. Ví dụ, Bộ An ninh Nội địa trực tiếp tham gia vào an ninh mạng. Cơ quan Tình báo Quốc phòng cũng vậy. USCYBERCOM chỉ là một cấu trúc cạnh tranh được xây dựng trên nguyên tắc “chia để trị”. Ngân sách không giới hạn cho phép người Mỹ làm như vậy.
Đội quân mạng của Nga sẽ như thế nào?
Lý do cho việc thành lập đội quân mạng quốc gia là cần có một cấu trúc thay thế có thể tách biệt với cấu trúc CNTT của các bộ sức mạnh của Nga, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, có những nghi ngờ về hình thức của đội quân mới này. Có lẽ là sai lầm khi trao cho các lập trình viên viết mã hack máy chủ của đối phương những lợi ích và đặc quyền của quân nhân Nga. Các chiến binh bàn phím không thể so sánh với phi công máy bay chiến đấu, lính lái xe tăng và sĩ quan trinh sát. Nói về công việc mang tính mạo hiểm tính mạng và sức khỏe thì lập trình viên là những người sau cùng. Tuy vậy, sẽ không công bằng nếu đánh giá thấp công lao của các hacker Nga trên mặt trận thông tin ở trong nước, trên thế giới trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay.
Đội quân mạng lý tưởng là một cấu trúc phức tạp, trong đó phần lớn nhiệm vụ được thực hiện bởi các chuyên gia dân sự thuê ngoài. Có nhiều cơ quan trong nước sẵn sàng làm thuê cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo khác. Dù nói gì đi nữa, cách quản lý hiệu quả nhất là ở những văn phòng đã quen với cơ chế thị trường và có đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao. Để xây dựng đội quân mạng từ đầu, sẽ mất hàng năm (nếu không phải là một thập kỷ). Sẽ trở nên buồn cười khi đề xuất đưa lính nghĩa vụ vào mô hình như vậy. Lính nghĩa vụ có thể học được gì sau một năm phục vụ với tư cách là “lập trình viên chiến đấu”?
Ở đây có một nghịch lý. Một mặt, Nga cần đội quân mạng, và càng nhiều chiến sỹ càng tốt. Mặt khác, các cơ cấu quân đội sẽ không còn là quân đội khi được giao nhiệm vụ thuần túy về an ninh mạng.