📞

Lý do phim “Về nhà đi con” đặc biệt thu hút người xem truyền hình?

19:23 | 29/05/2019
TGVN. Phim “Về nhà đi con” lên cơn sốt bần bật vì có đề tài về gia đình khá hấp dẫn, lấy đi nước mắt của nhiều người xem…    
Mối quan hệ giữa Thư và Vũ lại đại diện cho tầng lớp trẻ phải chịu sự ràng buộc vì sai lầm.

Phim khiến những bậc phụ huynh cũng chăm chú xem để thấy "công việc" làm cha mẹ nặng nhọc hơn trong thời hiện đại.

Câu chuyện về ông Sơn (NSƯT Trung Anh đóng), người đàn ông chấp nhận cảnh "gà trống nuôi con" trong phim đã chạm đến nỗi lòng của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ ngày nay.

Làm cha mẹ thời nay chẳng dễ dàng?

Là một người cha, ông Sơn luôn lo lắng với tương lai của các con. Dù cố gắng nhưng ông không thể giúp ba cô con gái tránh khỏi sai lầm. Đỉnh điểm là khi ông biết chuyện chồng của cô con gái cả đánh bạc thua sạch tiền, lại còn xô ngã vợ khiến cô sảy thai.

Khi nỗi buồn này chưa vơi đi thì con gái thứ hai – người mà ông cho là khôn ngoan nhất nhà lại có bầu. Trong khi đó, cô con gái út lại mê chơi game, thường đánh nhau với bạn khiến ông đau đầu, bất an.

Với gương mặt khắc khổ, NSƯT Trung Anh hóa thân rất thành công vào nhân vật Sơn, mang đến nhiều khoảnh khắc cảm động. Đây là vai diễn phức tạp, bởi người cha ấy dù hết mực yêu thương con cái vẫn có lúc mắc sai lầm, trong lòng lại chất chứa nhiều tâm sự.

Khán giả cảm động trước cảnh người cha lầm lũi nghĩ về chuyện của các con, lững thững đi lại trong căn phòng đơn độc, nhìn vào di ảnh người vợ quá cố, hì hụi nấu cháo chờ đợi con gái út về ăn mỗi khi con bỏ nhà đi...

Bộ phim thành công với những chi tiết rất đời thường như khi ông dùng chổi đánh con gái út, rồi chột dạ khi nghe con trách móc lẽ ra không nên ra đời. Những chi tiết ấy “đắt” bởi chạm đến nỗi lòng của những bậc làm cha làm mẹ thời nay.

Cha mẹ cũng phải “làm mới mình”

Có thể nói, phim “Về nhà đi con” thành công ở việc khắc họa sinh động đời sống gia đình Việt Nam thời hiện đại, gần gũi với mỗi gia đình. Đặc biệt, khoảng cách thế hệ ngày càng lớn, mâu thuẫn trong gia đình cũng ngày càng nhiều hơn. Điều đó đòi hỏi những người trong cuộc cần phải tĩnh tâm, nhìn lại mình và cùng nhau giải quyết những xung đột.

Xoay quanh câu chuyện gia đình thường thấy trong xã hội hiện đại, “Về nhà đi con” chạm tới trái tim khán giả nhờ bối cảnh, diễn biến và câu chuyện gần gũi, tạo ra sự đồng cảm với nhân vật.

Mỗi nhân vật đều khắc họa một kiểu người điển hình trong đời thực. Mỗi câu chuyện trong phim đều đại diện cho một mối quan hệ điển hình trong đời sống ngày nay. Tiêu biểu nhất có thể nhắc tới cuộc hôn nhân của Huệ và Khải với câu chuyện người chồng gia trưởng, ham mê cờ bạc.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Thư và Vũ lại đại diện cho tầng lớp trẻ trưởng thành, những người vẫn còn đang loay hoay với tương lai, với những mối quan hệ chưa muốn có sự ràng buộc. Nhưng họ lại bất đắc dĩ chấp nhận cuộc sống dưới chung một mái nhà vì những sai lầm không thể lường trước.

Cuối cùng là cô em gái út Dương, cô nàng cá tính, là sự hòa hợp giữa giới trẻ cả nam và nữ, với niềm đam mê game và tính cách mạnh mẽ.

NSUT Trung Sơn đã hóa thân thành công vào vai của một người cha "gà trống nuôi con".

Như bao người cha khác ngoài đời, ông Sơn và ông Luật (NSND Hoàng Dũng) đôi lúc cảm thấy “tăng xông” khi không hiểu con cái đang nghĩ gì, tại sao lại đi ngược với chuẩn mực cha mẹ đề ra, làm khác những gì cha mẹ sắp đặt. Vì thế, các ông bố thú nhận, buộc phải chấp nhận thực tế nuôi con thời nay khó khăn hơn xưa nhiều, có khi phải thỏa hiệp với con.

Mỗi cô con gái của ông Sơn là một số phận khiến người cha khắc khổ ấy luôn phải lo lắng. Nhưng ông cũng tỏ ra là một người cha hiện đại, khác hẳn với nhiều bậc phụ huynh thời nay chỉ biết trách mắng con. Đó là khi biết cô con gái thứ hai mang bầu với con trai ông bạn thân, thay vì trách móc, ông đến gặp người bạn già.

"Mấy hôm mất ngủ, tôi mới thấy mong muốn của mình thật đơn giản, mong cho nó hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thật sự không thể đo bằng tờ hôn thú. Việc của bọn trẻ để chúng nó tự giải quyết, tôi với ông không để bất cứ lý do gì ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghĩ tích cực ra, chúng ta có chung một đứa cháu". Đó là lời nói tự đáy lòng của ông Sơn.

Bộ phim lấy đi nước mắt của nhiều người

Khác với những bộ phim tạo ra những chi tiết gay cấn, cao trào, bộ phim mang những thông điệp tích cực khiến khán giả cảm thấy nhẹ lòng.

Theo từng tập, không chỉ bị cuốn hút vào những chi tiết đời thường của bộ phim, khán giả còn có thể khóc cười cùng nhân vật. Nhiều khán giả khóc rưng rức trước cảnh người vợ qua đời để lại người chồng chật vật nuôi ba cô con gái nhỏ.

Câu chuyện của người đàn ông góa vợ được thể hiện qua góc nhìn mới. “Về nhà đi con” đã một lần nữa chứng minh: "không phải cứ đề tài cũ sẽ kém hấp dẫn". Khi mà dòng phim truyền hình gia đình Việt Nam đang dần lu mờ thì “Về nhà đi con” lại là điểm sáng, sự thay đổi trong tính cách của các nhân vật, cách phát triển diễn biến câu chuyện thể hiện chân thực, đầy cảm xúc đã nhận được sự ủng hộ lớn từ phía khán giả.

Mỗi câu chuyện của các nhân vật trong phim đều trở thành đề tài nóng, sở hữu nét cuốn hút của riêng mình. Nếu như các con gái của ông Sơn đều có tính cách khác biệt, đều có những trở ngại, vấn đề của riêng trong cuộc sống. Trong khi đó, các nhân vật nam trong phim lại là gia vị, nêm nếm “đậm nhạt” trong cuộc sống ba cô con gái của ông Sơn.

“...Dù cuộc đời ngoài kia khắc nghiệt như thế nào, cha mẹ cũng là người chở che, là nơi cuối cùng ta có thể nương náu. Về sau, có rất nhiều khán giả chia sẻ rằng, sự cảm tình đầu tiên của họ đến từ tên phim, cảm giác từ tên phim đã thấy gần gũi và ấm áp", biên kịch Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Mỗi cô con gái của ông Sơn đều mang tính cách riêng.

Với kịch bản cùng tuyến nhân vật thu hút đến cả vai diễn nhỏ nhất, “Về nhà đi con” dần khẳng định, để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng phim truyền hình Việt Nam năm 2019.

Từ năm 2017, sự xuất hiện của hai “bom tấn” truyền hình Việt (Sống chung với mẹ chồng và Người Phán xử), giờ đây là “Về nhà đi con” đã lấy lại lòng tin, sự yêu mến của khán giả vào những bộ phim truyền hình Việt Nam lên sóng khung giờ vàng mỗi tối bằng chính những điều dung dị, đời thường như vậy.

(tổng hợp)