Phong trào tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc đang tăng mạnh tại Ấn Độ. (Nguồn: AP) |
Ngày 29/5, chính phủ Ấn Độ đã ra quyết định cấm 59 ứng dụng smartphone của các công ty hoặc nhà phát triển Trung Quốc. Các ứng dụng bị cấm bao gồm TikTok, ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng của ByteDance, đã được người dùng Ấn Độ tải về hơn 660 triệu lần kể từ khi nó được ra mắt vào năm 2017; WeChat là ứng dụng nhắn tin nổi tiếng của Tencent; Weibo là một mạng xã hội tương tự Twitter; còn UC Browser là trình duyệt web trên di động gọn nhẹ, rất phổ biến với người sử dụng smartphone giá rẻ ở Ấn Độ… và nhiều ứng dụng nổi tiếng khác như Shareit, Baidu…
Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho hay, lý do của lệnh cấm này dựa trên những thông tin sẵn có cho rằng “các ứng dụng này đang thực hiện những hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, khả năng phòng vệ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng của đất nước”.
Bộ trên đã nhận được những khiếu nại, kể cả các báo cáo về việc sử dụng sai mục đích một số ứng dụng di động trên các nền tảng Android và iOS để đánh cắp và lén lút truyền dữ liệu người dùng tới các máy chủ đặt ngoài Ấn Độ.
“Hành vi này là vấn đề gây quan ngại sâu sắc ngay lập tức và đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp. Bên cạnh đó, cũng có nhiều quan ngại trong những lĩnh vực liên quan đến an ninh dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của 1,3 tỷ người Ấn Độ. Quyết định này là một hành động hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và chủ quyền không gian mạng của Ấn Độ” – trích tuyên bố của Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ.
Đối đầu trực tiếp
Ấn Độ đã trích dẫn điều 69A của Đạo luật Công nghệ thông tin để giải thích cho động thái của mình. Nhưng theo luật pháp Ấn Độ, họ có thể giữ bí mật quyết định này. Do vậy, việc công khai lập trường chống lại Bắc Kinh là ý định chính của New Delhi.
Giữa tháng Sáu, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có cuộc đụng độ tại Ladakh, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. New Delhi đối mặt với áp lực trong nước là cần đưa ra phản ứng mạnh mẽ với Bắc Kinh. Một lựa chọn của Ấn Độ là đánh vào công nghệ Trung Quốc.
Căng thẳng Ấn-Trung không giảm nhiệt, người dân Ấn Độ nhận thức rõ hơn mối đe doạ về bảo mật của công nghệ Trung Quốc như người dân Mỹ và Anh sẽ là lúc nước này có hành động cứng rắn hơn đối với phần mềm và phần cứng khác của Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm và giải pháp 5G.
Thúc đẩy phát triển trong nước
Ngày 4/7, chính phủ Ấn Độ đã công bố dự án mới mang tên Atma Nirbhar Bharat (tạm dịch - Ấn Độ tự lực), đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà phát triển và các startup công nghệ để tiếp tục phát triển ứng dụng và công nghệ mới. Hạng mục chính bao gồm mạng xã hội, giáo dục điện tử, giải trí, tin tức và trò chơi điện tử. Dự án cũng là cuộc thi với giải thưởng lên đến 27.000 USD.
Trên Twitter, Thủ tướng Narendra Modi cho rằng, cộng đồng khởi nghiệp và công nghệ Ấn Độ cần phải tìm thêm cảm hứng để có thể tạo ra được các ứng dụng đẳng cấp thế giới và được sản xuất tại Ấn Độ. Theo ông Modi, các nhà phát triển nên tập trung giải quyết các vấn đề cho Ấn Độ và thế giới, đồng thời quảng bá các trò chơi điện tử do người Ấn Độ phát triển.
Trên thực tế, khi TikTok ngưng hoạt động, ứng dụng tương tự do người Ấn Độ phát triển có tên Roposo đang nhận được sự quan tâm lớn và có thể trở thành sân chơi mới cho người dùng tại đây.
Đây được cho là bước đi đúng đắn của chính phủ Modi, bởi Ấn Độ từ lâu đã được biết đến là quốc gia hàng đầu về phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành phố Bangalore được mệnh danh là Thung lũng Silicon Valley của Ấn Độ và được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xếp vào một trong bốn trung tâm công nghệ tốt nhất thế giới.
Ấn Độ hiện là thị trường quốc tế lớn nhất đối với các ứng dụng Trung Quốc như TikTok và UC Browser. Tuy các công ty Trung Quốc không thu được nhiều lợi nhuận, nhưng đây vẫn là thị trường đầy tiềm năng. Theo CNN, thị trường quảng cáo kỹ thuật số Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 26% trong năm 2020.
Trung Quốc chắc chắn không muốn để tuột mất “miếng bánh béo bở” này và hẳn sẽ có động thái mới nhằm giảm nhiệt căng thẳng hai bên. Song, nhìn Huawei đang “vật lộn” trong cuộc khủng hoảng với những lệnh cấm gay gắt ở một số nơi, các công ty công nghệ Trung Quốc hẳn sẽ phải dè chừng nếu muốn mở rộng thị trường.